Cá mập nằm trong số những động vật săn mồi đáng sợ nhất hành tinh. Và mọi giác quan của chúng đều được sử dụng như những vũ khí sát thương: thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và thính giác. Tuy nhiên, cá mập không chỉ nhìn thấy, nghe thấy con mồi, mà còn cảm nhận được chúng.
Nhiều loài cá mập có một cơ quan cảm giác đặc biệt, chạy dọc suốt cơ thể, kết nối từ đuôi tới đầu và quai hàm, gọi là "đường cảm giác" (lateral line). Cơ quan này chứa đầy các dây thần kinh để thu nhận các rung động nhỏ nhất và sự thay đổi áp suất trong nước. Và ở mức độ phát triển bậc thầy, sự kết hợp của "đường cảm giác" với các giác quan khác giúp cá mập có thể phát hiện con mồi ở cách xa nó tới 1,6km.
Các lỗ chân lông trên đầu của cá mập có tên gọi "ống tiêm Lorenzini", là một nhóm các tế bào cảm giác có thể phát hiện các từ trường yếu do sinh vật sống phát ra, chẳng hạn như tim đập hoặc cử động cơ của các động vật đang ẩn náu dưới cát.
Mỗi ống Lorenzini chứa đầy các chất giống như thạch, phản ứng với áp suất, nhiệt độ và hoạt động từ trường. Những lỗ chân lông này nhạy cảm tới mức giúp cá mập có thể phát hiện ra các từ trường yếu, đứt quãng và phát ra từ cách nó nhiều km.
Khi đi kiếm ăn, cá mập huy động mọi giác quan. Tiếng động từ xa hay cảm nhận về máu có thể thu hút nó tới chỗ con mồi tiềm năng. Ngoài ra, thị giác tuyệt vời, các ống tiêm Lorenzini, thính giác và cả khứu giác có thể góp phần tạo nên khả năng săn mồi đáng sợ của cá mập.
Tuấn Anh (Theo NatGeo)