- Không người nào, dân tộc nào có thể không biết hay lãng quên rằng, trên trái đất này đang tồn tại nhiều kho bom nguyên tử, bom hạt nhân lớn bé thường xuyên đe dọa đến sự tồn vong của cả trái đất và sự sống còn của cả nhân loại.
Một nhóm các nhà khoa học tập hợp trong tạp chí nổi tiếng Mỹ “Bản tin Khoa học nguyên tử” BAS (Bulletin of the Atomic Scientists) đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa của kho vũ khí hạt nhân khổng lồ trên Trái Đất và xem nó như đang song hành với hiện tượng biến đổi khí hậu đưa loài người đến gần ngưỡng của sự hủy diệt.
Riêng với hiểm họa hạt nhân, Bà Kennette Benedict, Giám đốc điều hành tạp chí BAS cho biết: Thế giới hiện có khoảng 16.300 vũ khí hạt nhân, một con số mà theo nhà khoa học này là "quá nhiều" và kêu gọi các nước giảm mạnh việc hiện đại hóa loại vũ khí hạt nhân, đồng thời đẩy mạnh quá trình giải trừ loại vũ khí hủy diệt “khủng” này.
Khối vũ khí “quá nhiều” và “quá khủng”
Tiềm năng các quốc gia hạt nhân trên thế giới. (Ảnh: Business Insider). |
Khi nói đến hiểm họa của vũ khí hạt nhân, người ta không chỉ đề cập đến con số “quá nhiều” quả bom hạt nhân chất đầy trong kho mà còn nói đến con số “không nhỏ” quốc gia và châu lục đang và sẽ sở hữu chúng, đồng thời đề cập đến cả sức tàn phá khủng khiếp do chúng gây ra.
Quả vậy, trên thế giới càng ngày càng có nhiều “quốc gia hạt nhân” và bây giờ đang dừng ở con số 9. Trong số này, 5 quốc gia kỳ cựu hay còn gọi là các nước “đồng minh” được Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân chính thức xem là "có quyền” làm chủ vũ khí hạt nhân. Đó là Mỹ, Nga (tức Liên Xô trước đây), Anh, Pháp và Trung Quốc.
Nước đầu tiên chế tạo và cũng là nước duy nhất đã sử dụng vũ khí hạt nhân là Mỹ (Hoa Kỳ). Ngày 6 tháng 8 năm 1945 Mỹ đã ném quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật làm chết hơn 60.000 người. Đến ngày 9 tháng 8 năm 1945 lại tiếp tục ném quả bom thứ 2 xuống Nagasaki làm chết hơn 100.000 người và làm nhiều người bị thương. Mỹ cũng là nước thử nghiệm thành công bom khinh khí (hydrogen) lần đầu tiên trong lịch sử loài người vào năm 1952.
Nga là nước thứ hai trở thành quốc gia hạt nhân với cú thử nghiệm thành công qua bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 29 tháng 8 năm 1949. Tiếp theo, Anh quốc vào năm 1952 thử nghiệm thành công bom nguyên tử tại một đảo Montebello ở Úc. Pháp thử nghiệm thành công bom nguyên tử tại Sa mạc Sahara (nước Algiérie) vào 1960. Và Trung quốc là nước đồng minh cuối cùng thử nghiệm thành công bom nguyên tử vào năm 1964.
Ngoài ra, 3 nước khác bước vào con đường chế tạo loại vũ khí giết người hàng loạt muộn màng hơn.Trước hết, phải kể đến “bộ đôi” luôn kình địch nhau về biên giới là Ấn Độ và Pakistan với những cuộc thử bom nguyên tử gây nhiều tranh cãi và trở thành nỗi lo thường xuyên của thế giới. Năm 1974 Ấn Độ thử nghiệm thành công quả bom đầu tiên. Từ đó nước láng giềng đứng ngồi không yên, kỳ cạch suốt hơn 20 năm, đến 1998 cũng cho nổ thử nghiệm được quả bom đầu tiên của mình. Cả hai nước đều đứng ngoài Hiệp định NPT. Và như vậy, mặc dù mỗi nước có trong kho đến gần cả trăm đơn vị bom “khủng”, họ hạn chế quyền sở hữu hợp pháp vũ khí hạt nhân, quyền này “ngầm” dành riêng cho các nước đã có các cuộc thử nghiệm trước năm 1967.
Một quốc gia đặc biệt khác nữa, nước Israel, với đất đai rất hẹp và dân cư sống phân tán khắp nơi trên thế giới, nhưng bỗng cho nổ thử một quả bom nguyên tử vào năm 1979 trên khoảnh đất “mướn” tận Nam Phi xa cách. Cho dù cả hai nước này đều không phủ nhận hay xác nhận chủ nhân của vụ nổ, nhưng ngày nay mọi người đều công nhận nước thứ tám có bom nguyên tử không phải là Nam Phi, mà chính là nước Israel đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể có thể đến cả trăm đơn vị!
Bước vào thế kỷ 20 bỗng xuất hiện một nước thứ 9 khát danh xưng “quốc gia hạt nhân”. Có lẽ không có gì phải nghi ngờ về sự thật của ba vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên trong các thời điểm: ngày 8-10-2006, 25-5-2009 và 12-2-2013. Cả ba vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất này đều được nhiều trạm quan sát địa chấn trên thế giới ghi nhận.
Sự phối hợp số liệu đo khoảng cách từ các vị trí quan sát địa chấn khác nhau đến từng địa điểm nổ bom, đồng thời kết hợp hình ảnh chụp từ vệ tinh, vị trí của ba địa điểm thử bom đã được xác định khá chính xác và tất cả đều nằm trên địa phận Bắc Triều Tiên.
Về sức mạnh vụ nổ, nhiều người thống nhất nhau là cùng cỡ hay non hơn một ít so với những quả bom mà Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 cuối Thế chiến II. Về nhiên liệu của 3 quả “bom A made in Korea” này, mọi người đều thiên về chất nổ phân hạch plutonium.
Tất cả 9 nước hạt nhân lớn nhỏ vừa điểm qua có thể tìm thấy trong bản đồ trên đây. Ở đó, có thể thấy rõ trên thế giới hiện nay có 9 quốc gia hạt nhân với 9 màu khác nhau. Dĩ nhiên, mạnh nhất vẫn là hai cường quốc Nga và Mỹ với khoảng 8.500 và 7.500 đầu đạn hạt nhân, tiếp đến là 3 cường quốc Anh, Pháp và Trung quốc tương đương nhau với số đầu đạn 225, 300 và 250 và cuối cùng là 3 tân quốc gia hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và Do Thái cũng đã có trong kho khoảng trên dưới 100 đơn vị/mỗi nước dù “chậm chân” đến những 20 - 30 năm.
Chỉ có nước Triều Tiên nhỏ bé và muộn màng hơn với 3 vụ nổ thử hạt nhân và đang “rập rình” vụ nổ thứ 4, như vậy “vốn liếng” trong tay theo ước đoán cũng không quá 10 quả trong kho và rất có thể chỉ là loại bom plutonium. Cũng chưa rõ kích thức tối ưu của bom thế nào và liệu đã có tên lửa mang bom vươn đến “đối thủ” ở tầm xa vài chục ngàn kilomet hay chưa. Chỉ mới đây Bình Nhưỡng trong vài ngày trước vừa tung ra lời dọa đánh chìm các tàu sân bay trên Thái Bình Dương!
Thế giới liệu có dừng lại ở con số 9, tức chỉ 9 nước có bom nguyên tử hạt nhân? Chuyện của tương lai nay chưa rõ, nhưng chỉ nói về sự ham muốn, nhiều người đã nghĩ đến nước này nước nọ. Trước hết, nghĩ đến các quốc gia giàu dầu lửa và trong mấy năm nay đang không muốn bị trói buộc trong các hiệp ước quốc tế cản trở việc tiếp cận đến các công nghệ liên quan chế tạo bom nguyên tử, như công nghệ làm giàu cao uranium. Những nước như vậy rõ nhất lúc này là nước Cọng hòa Iran ở vùng Trung Đông!
Chiến tranh hạt nhân và sự hủy diệt Trái Đất
Không phải không có lý khi người ta xếp cạnh nhau các hiện tượng đe dọa sự hủy diệt loài người, sự biến đổi khí hậu và cuộc chiến tranh hạt nhân.
Carbon đen ngăn cản ánh nắng mặt trời và sẽ gây tử vong cho con người. |
Một nhóm các nhà nghiên cứu có tiếng, bao gồm chủ yếu các nhà khoa học về khí quyển và môi trường, ở Colorado (Mỹ) ngày 21/7/2014 vừa qua đã công bố các kết quả nghiên cứu vấn đề này trên Daily Mail. Theo họ, tai họa của một cuộc chiến tranh xảy ra, dù ở quy mô lớn nhỏ nào, cũng gây hậu quả rất lớn, nhiều mặt và lâu dài đến loài người trên toàn cầu.
Họ bắt đầu giải quyết bài toán với giả thiết về một cuộc chiến tranh hạt nhân loại nhỏ, xảy ra trong một khu vực hẹp, giữa hai nước liền kề nhau, trong đó mỗi phía cho nổ 50 quả bom nhỏ loại 15 koloton tương đương quả bom ở Hiroshima năm 1945. Giả định này đưa người đọc suy diễn đến một trường hợp rất gần với thực tế về nhiều phương diện, đó là cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan.
Kết quả giải bài toán trên là một nửa dân số thành phố bị sát hại với 2/3 tử vong tại chỗ. Quy mô cuộc chiến tranh hạt nhân này quả là còn nhỏ bé với những giả thiết bé nhỏ. Trước hết số lượng bom sử dụng không lớn và sức mạnh mỗi quả bom như loại thả xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật) năm 1945 càng rất bé nhỏ. Ở trường hợp này sử dụng bom A (bom nguyên tử) được chế tạo từ Uranium 235 hay Plutonium 239.
Trong trường hợp sử dụng các bom cỡ lớn, bom khinh khí (bom H), các chuyên gia cho rằng sự hủy diệt sẽ lớn hơn, chẳng hạn khoảng 1/3 dân số của nước lớn sẽ bị hủy diệt trong vài tuần. Và mỗi quả bom đó, nếu nổ cách mặt đất vài trăm mét, có thể phá hủy một diện tích khoảng từ 4 đến 8 lần Hiroshima. Dĩ nhiên, nếu lấy giả thiết một cuộc chiến tranh giữa 5 cường quốc hạt nhân, và đặc biệt giữa hai siêu cường Mỹ và Nga, thì tác hại sẽ kinh khủng hơn rất nhiều.
Nhưng trên đây chỉ vừa mới đề cập đến cái chết thông thường chủ yếu do những lý do cơ học như: gia tăng áp suất, gió mạnh từ 250 đến 400 km/giờ làm đổ sập nhà cửa và trụ điện … và nhiệt độ tăng lên hàng ngàn độ gây ra những đám cháy trên diện rộng. Trong thực tế, tiếp theo sau là cái chết muộn, chậm hay bênh tật kéo dài do sự chiếu xạ bởi những tia phát ra từ các mảnh vỡ của bom bay ra tứ phía, gần xa.
Nhân loại tất nhiên phải quan tâm và lo lắng hơn đến các hậu quả lâu dài mà các vụ nổ hạt nhân (ngay trên mặt đất hoặc trong không khí) tác động đến môi trường sống đe dọa đến sự tồn tại của cả quả đất và toàn thể loài người sống khắp nơi xa gần trên đó.
Các tính toán của các nhà khoa học ở Corolado và cả ở những nơi khác nữa đều cho thấy rằng, khi 100 đầu đạn hạt nhân (dù bé) cùng nổ sẽ phát ra và nén 5 triệu tấn carbon đen (chủ yếu là cacbonic CO2) vào khí quyển. Carbon đen tạo ra bởi quá trình cháy của gỗ hay dầu diesel bởi sức nóng của bom nguyên tử nổ và loại cácbon đen này khi chúng đọng lại trong không khí hoặc trên bề mặt vật thể, tạo thành bồ hóng hoặc muội màu đen kịt.
Nghiên cứu mới nhất được công bố gần đây khẳng định, carbon đen gây ra tác động mạnh gấp đôi đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu so với những gì con người từng suy đoán trước đó. Vì carbon đen sẽ ngăn chặn ánh nắng mặt trời và cũng có thể gây tử vong sớm cho con người nhưng chủ yếu làm biến đổi khí hậu của quả đất và tiếp tục tàn phá những gì còn lại của nhân loại sau cuộc chiến hạt nhân, nên nó nhanh chóng trở thành yếu tố thứ 2 trong thang khí thải gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu
Trước hết, cacbon đen sẽ hấp thụ nhiệt lượng từ mặt trời và ngăn cản tiếp cận bề mặt trái đất. Sau một thời gian, nó chắc chắn sẽ rơi xuống theo mưa, dù các nhà khoa học chưa thể xác định chính xác thời gian chúng biến mất khỏi bầu khí quyển.
Không chỉ có thế, các vụ nổ hạt nhân sẽ làm mất mát rất lớn tầng ozone, ước tính sẽ làm giảm từ 20 đến 50%, điều này gây nguy hại đặc biệt đối với các khu vực đông dân cư. Vì hiện tượng này sẽ làm tăng cao mức tia cực tím lên đến 80% và làm tăng nguy cơ ung thư da cho con người.
Các hiện tượng nói trên sẽ làm cho nhiệt độ trung bình trên toàn trái đất giảm 1,1 độ. Và 5 năm sau, nhiệt độ đó tiếp tục giảm thêm 3 độ, nhưng 20 năm sau, nhiệt độ trái đất sẽ ấm lại một chút nhưng vẫn dưới nhiệt độ trung bình hiện nay. Sự sụt giảm nhiệt độ sẽ làm người chết rét còn cây trồng giảm thời gian sinh trưởng từ 10 đến 40 ngày. Sự giảm nhiệt độ xuống thấp còn làm giảm lượng mưa. Các tính toán cho thấy sau 5 năm lượng mưa giảm 9% và sau 26 năm lượng mưa vẫn còn thấp hơn 4,5% so với lúc chưa có chiến tranh hạt nhân. Và hậu quả tất yếu là giảm sản lượng lương thực dẫn đến nạn đói cho cả loài người.
Cũng phải nhắc lại rằng các kết quả tính toán về các hậu họa kinh khủng trên đây là chỉ dựa trên giả định cho một cuộc chiến hạt nhân nhỏ trong quy mô 100 bom nguyên tử loại 15 kiloton, trong thực tế còn nhỏ hơn loại bom của Ấn Độ và Pakistan hiện nay nhiều. Nếu lấy giả thiết về một cuộc chiến tranh hạt nhân to hơn nhiều lần, như giữa hai siêu cường Nga, Mỹ, trái đất hẳn sẽ bị hủy diệt. Ai không bị giết tức thời trong thời điểm nổ hạt nhân thì cũng sẽ chết nhanh chóng sau đó vì tia cực tím, tia phóng xạ và nạn đói.
Tóm lại, một cuộc chiến tranh hạt nhân, dù lớn dù nhỏ, theo tính toán của các nhà khoa học, cũng tác hại lớn và gây chết chóc khôn xiết không chỉ trong phạm vi một hai quốc gia tham chiến mà còn ảnh hưởng rộng lớn không loại trừ một quốc gia nào và thậm chí có thể hủy diệt cả nhân loại trên toàn cầu.
Vì vậy, mỗi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia không bao giờ lãng quên rằng, trên trái đất đang tồn tại nhiều kho bom nguyên tử, bom hạt nhân lớn bé thường xuyên đe dọa đến sự tồn vong của cả trái đất và sự sống còn của cả loài người.
Tất cả nên có tiếng nói thống nhất, mạnh mẽ, bền bĩ cho một Trái Đất sớm sạch bom nguyên tử, bom hạt nhân. Và không thể có thế lực, phe phái nào thậm chí cả Thượng đế lại cho phép quốc gia nào có được đặc quyền sở hữu dù là một quả bom nguyên tử hay một quả bom khinh khí.
Trần Minh