Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững.
Ngày 10/2, tại New York, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã phối hợp với Phái đoàn các nước Thuỵ Điển, Peru và CH Congo cùng Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên Hợp Quốc (SDSN) tổ chức Hội thảo về “Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 và một thoả thuận mới về biến đổi khí hậu”.
Đại sứ Việt Nam Nguyễn Phương Nga tại Hội thảo về Biến đổi khí hậu tại Liên hiệp quốc. Ảnh: nguồn TTXVN. |
Hội thảo có sự tham dự của bà Isabelle Lovin, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển, Giáo sư Jeffrey Sachs, Giám đốc SDSN, ông Janoz Pasztor, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, và bà Minh Thu Pham, Giám đốc chính sách Quỹ Liên hợp quốc (UN Foundation), cùng nhiều đại sứ, đại diện phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, cho rằng năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt khi Liên Hợp Quốc cùng lúc nỗ lực xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, thông qua cơ chế về tài chính cho phát triển và đạt thỏa thuận về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ UNFCCC.
Đây là những tiến trình bổ trợ lẫn nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững - sẽ không thể phát triển bền vững nếu không ứng phó với những thách thức về biến đổi khí hậu và ngược lại, chính các mục tiêu phát triển bền vững tạo khuôn khổ và động lực cho thoả thuận về biến đổi khí hậu.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng giới thiệu về một số nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có việc xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh; đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho những nỗ lực này, nhất là về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực.
Các đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển bền vững, và các nước cần quyết tâm đạt được thoả thuận có ý nghĩa về biến đổi khí hậu tại Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (UNFCCC COP21) tại Paris vào cuối năm 2015.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động nguồn lực cho các nỗ lực đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc thực hiện cam kết đóng góp 100 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh.
T.M (Theo TTXVN/VOV)