- Bắt đầu từ con số 0, với 13/16 thành viên của nhóm là nữ, thế nhưng, sau 10 năm nỗ lực, bằng đam mê và sáng tạo, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình đã có được thành công đột phá trong việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị tổn thương giác mạc, đem lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân.
Với những thành công đạt được, nhóm nghiên cứu gồm 16 thành viên đến từ Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt Trung ương do PGS. TS. Nguyễn Thị Bình (ĐH Y Hà Nội) đứng đầu vừa được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 dành cho tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc.
Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang của thành công luôn là những giọt mồ hôi và nước mắt.
Đeo đuổi bằng đam mê
Nhóm nghiên cứu với 13/16 thành viên đều là nữ do PGS. TS. Nguyễn Thị Bình (giữa) đứng đầu. |
PGS. TS. Nguyễn Thị Bình nhớ lại rằng, bà và nhóm nghiên cứu của mình bắt đầu nảy ra ý tưởng nghiên cứu từ năm 2004 với mong muốn đưa phương pháp điều trị tiên tiến là nuôi tạo các tấm biểu mô giác mạc từ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm rồi cho ghép tự thân vào giác mạc của bệnh nhân bị tổn thương giác mạc.
Lúc bấy giờ, để điều trị những trường hợp bị mù do tổn thương giác mạc (bệnh lý giác mạc), phương pháp điều trị chủ yếu là ghép màng ối hoặc ghép củng giác mạc tự thân hoặc dị thân. Tuy nhiên, việc ghép màng ối chỉ mang tính chất tạm thời để chờ ghép giác mạc.
Trong khi đó, ghép củng giác mạc tự thân (lấy một mảnh rìa nơi chứa tế bào gốc ở mắt không bị tổn thương ghép sang mắt bị tổn) thì mảnh ghép phải rất lớn, có nguy cơ ảnh hưởng tới mắt bình thường và không thể áp dụng với những trường hợp bị tổn thương cả 2 mắt.
Do vậy, nếu như có thể nuôi tạo các tấm biểu mô giác mạc từ tế bào gốc sẽ giải quyết được tất cả những bất cập nói trên đồng thời phần nào giải quyết được vấn đề thị lực cho bệnh nhân trong hoàn cảnh nguồn giác mạc cực kỳ khan hiếm hiện nay.
Tuy nhiên, là nhóm đầu tiên tại Việt Nam bắt tay vào tự nghiên cứu công việc nuôi tạo tấm biểu mô giác mạc từ tế bào gốc, bà Bình và những người phụ nữ của nhóm nghiên cứu gần như đã bắt đầu từ con số 0.
“Tất cả các kiến thức về quá trình nuôi tạo, môi trường nuôi cấy,… chúng tôi đều phải tự tìm hiểu, đọc qua các tài liệu của nước ngoài”, PGS Bình nói. “Thời gian đầu cũng chưa quen nên còn phải mày mò, thêm cái này, bớt cái kia, làm rất nhiều mẫu để tìm ra cách pha môi trường nuôi cấy”.
Không chỉ khó khăn trong vấn đề kinh nghiệm, trong suốt thời gian 2 năm đầu tiên, nhóm của PGS Bình tiến hành nghiên cứu mà không hề có bất cứ khoản kinh phí nào từ phía nhà nước. “Thời gian đầu không có kinh phí nên chúng tôi phải đi xin môi trường, enzim về rồi hì hục pha chế. Các dụng cụ lồng nuôi có giá rất đắt đỏ cũng phải đi xin chỗ nọ chỗ kia…”, PGS Bình nhớ lại. “Lúc đó, các thành viên trong nhóm đã phải tự bỏ tiền túi ra để bù vào các khoản tiền phục vụ nghiên cứu cũng là phục vụ đam mê của mình”.
Mãi đến năm 2006, nhóm nghiên cứu mới được phân công 2 đề tài, gồm đề tài cấp Bộ và đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước với tổng số kinh phí cho cả 2 đề tài khoảng hơn 800 triệu đồng. Tuy vậy, khoản kinh phí này vẫn rất thấp so với mức độ và chi phí công việc mà nhóm tiến hành.
PGS. TS. Nguyễn Thị Bình, người đứng đầu nhóm nghiên cứu. Ảnh: Lê Văn. |
“Trong hoàn cảnh kinh phí hạn hẹp, chị em không chỉ nhận mức công ít hơn mà mọi hoạt động phục vụ nghiên cứu đều phải tiết kiệm đến mức tối đa”, PGS Bình chia sẻ. “Chẳng hạn như dụng cụ nạo tế bào phải đặt mua từ Nhật Bản với giá rất đắt. Chúng tôi đã phải giảm chi phí bằng cách sau khi sử dụng lần đầu thì rửa đi, đóng gói rồi gửi đi chiếu xạ để tiệt trùng rồi dùng lại. Nhiều khi dùng đi dùng lại không chỉ một lần”.
Không chỉ vậy, là cán bộ nữ, hầu hết lại cùng lúc đảm nhiệm công việc giảng dạy lẫn chăm sóc bệnh nhân nay lại tham gia cả hoạt động nghiên cứu khoa học với mức thu nhập không hề cao nên nhiều thành viên của nhóm, đặc biệt là các thành viên trẻ gặp khá nhiều khó khăn. “Nhiều bạn trẻ trong nhóm nhiều hôm phải ở lại bộ môn làm thực nghiệm đến tận khuya, quên cả việc đón con”, PGS Bình chia sẻ.
Thành công đột phá
Xác định rằng: “Làm nghiên cứu khoa học ở nước nghèo nó khổ thế” nên PGS. TS. Nguyễn Thị Bình cùng 16 thành viên của nhóm nghiên cứu đã vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình để theo đuổi niềm đam mê với hy vọng đem lại ánh sáng cho những người bệnh nhân không may mắn.
Năm 2007, sau 3 năm tự mày mò nghiên cứu, lần đầu tiên, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Thị Bình đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc rìa giác mạc trên thỏ. Và một năm sau đó, vào ngày 8/1/2008, nhóm nghiên cứu của bà Bình đã tiến hành ghép thành công cho bệnh nhân đầu tiên.
Các cán bộ nghiên cứu của nhóm làm việc tại phòng nuôi cấy tấm niêm mạc tại Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Lê Văn. |
Chia sẻ với chúng tôi, PGS Bình nói rằng, bà vẫn còn nhớ như in cảm xúc của ngày hôm đó. Bệnh nhân đầu tiên được nhóm của bà ghép tấm biểu mô giác mạc là anh Nguyễn Văn Tiến, khi đó 31 tuổi, là một công nhân xây dựng bị bỏng vôi ở một bên mắt. “Sau khi được cấy ghép, bệnh nhân đã đi làm lại được bình thường cho đến hiện nay”, PGS Bình cho biết.
Sau bệnh nhân đầu tiên, trong năm 2008-2009, nhóm nghiên cứu đã tiến hành cấy ghép thêm 4 bệnh nhân nữa, tổng cộng là 5 bệnh nhân với tỉ lệ thành công là 80%. Với thành công của 2 đề tài, năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp thêm kinh phí cho nhóm để tiến hành đề tài độc lập cấp nhà nước: “Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu”.
Trong đề tài này, các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện các quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt, tỷ lệ ghép thành công 80%. Đồng thời, các nhà khoa học cũng nghiên cứu quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt, tỷ lệ thành công 70%.
Không chỉ thành công trong việc đưa phương pháp điều trị tiên tiến của thế giới vào Việt Nam, trong hoàn cảnh khó khăn cả về kinh nghiệm lẫn chi phí, bà Bình và nhóm nghiên cứu của mình đã có những sáng tạo quan trọng mang tính đột phá. Nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới với chi phí rẻ và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (vốn là nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới).
Khi nuôi cấy tấm biểu mô trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu cần phải có một lớp tế bào nuôi ở dưới để nuôi dưỡng tế bào ở bên trên. Tuy nhiên, khi đó, lớp tế bào này phải nhập với giá rất đắt mà kinh phí nghiên cứu của nhóm thì không cho phép. Trong khi đó, lớp tế bào nuôi này thường là tế bào phôi chuột, dễ gặp phải nguy cơ các protein của tế bào phôi chuột xâm nhập vào tế bào của tấm biểu mô nuôi cấy.
Trong hoành cảnh đó, nhóm nghiên cứu đã tự mày mò và sáng tạo bằng cách dùng ngay lớp tế bào của bệnh nhân để làm tế bào nuôi để tạo ra một môi trường giống như trong cơ thể người bệnh. “Chúng tôi thấy rằng kết quả rất tốt tương đương với kết quả trên thế giới và không còn nguy cơ nhiễm protein của dị loài (chuột). Hơn nữa, phương pháp dùng phôi chuột rất phức tạp trong khi phương pháp của chúng tôi rất đơn giản”, PGS. Bình cho biết. “Hiện tại, nhóm chúng tôi đang đề nghị cấp quyền sở hữu trí tuệ đối với quy trình này”.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang làm thủ tục để xin phép Bộ Y tế cho sử dụng phương pháp này một cách rộng rãi trong các khoa mắt và bệnh viện mắt. TS Vũ Tuệ Khanh, thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, chi phí nuôi tạo tấm biểu mô theo quy trình của nhóm nghiên cứu có chi phí khá rẻ, chỉ từ 10-15 triệu đồng. Trong khi đó, một quy trình tương tự tại Nhật Bản có mức chi phí hơn 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD).
Với chi phí thấp, công nghệ được làm chủ hoàn toàn bởi đội ngũ trong nước, nên nếu được ứng dụng rộng rãi, phương pháp sử dụng tế bào gốc để điều trị tổn thương giác mạc sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc, đặc biệt là bệnh nhân nghèo.
Không chỉ dừng ở thành công có được, hiện tại nhóm nghiên cứu cũng đang nghiên cứu tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson. Đề tài mới được triển khai 1 năm nhưng có những dấu hiệu tích cực, đã có phản ứng tốt và được thử nghiệm trên chuột. Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Thị Bình cũng cho biết, trong tương lai, có thể nghĩ đến việc nghiên cứu nuôi cấy tế bào gốc thành giác mạc ở Việt Nam. Hiện chưa có nước nào trên thế giới nuôi được tế bào gốc để thành giác mạc nên đây là vấn đề hết sức nan giải. |
Lê Văn