Trái đất không phải là một thế giới bị bó hẹp. Trong thực tế, rất nhiều loài động vật, thực vật, nấm và sinh vật mới khác được phát hiện mỗi ngày. Theo thông lệ, hàng năm, Viện quốc tế về khám phá các loài thuộc Đại học Arizona (Mỹ) sẽ lựa chọn và công bố danh sách 10 loài mới ấn tượng nhất, dựa trên các tiêu chí như thú vị nhất, có một không hai hoặc vô cùng kỳ lạ.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Hãy cùng chiêm ngưỡng 10 loài mới được phát hiện ấn tượng nhất năm qua, ảnh đăng tải trên tạp chí Discovery:



Loài cá dơi bánh kếp được phát hiện ngoài khơi bờ biển bang Louisiana, Mỹ này sở hữu một thân hình bầu dục dẹt. Chúng di chuyển dọc theo đáy biển như những con dơi đi bộ bằng các vây phía sau. Loài sinh vật này sinh sống quanh độ sâu 457 mét dưới bề mặt biển. Môi trường sống của chúng đã bị đe dọa sau sự cố tràn dầu vì nổ giàn khoan Deepwater Horizon của hãng BP hồi năm ngoái.



Loại nấm phát sáng trong bóng tối, có tên khoa học là Mycena luxaeterna này, sinh trưởng tự nhiên trong một vùng rừng đang dần biến mất gần São Paulo, Brazil. Chỉ phát triển tới độ cao 8mm, nấm phát sáng có khả năng tỏa ánh sáng neon xanh ma quái suốt 24 giờ mỗi ngày. Mặc dù các nhà khoa học ước tính có khoảng 1,5 triệu loài nấm trên trái đất nhưng chỉ 71 loài trong số này được cho là có thể phát quang sinh học.



Được đặt theo tên nhà sinh vật học nổi tiếng Charles Darwin, loài nhện vỏ cây Darwin, tên khoa học là Caerostris darwini, có thể giăng tơ trải dài suốt dọc một con sông. Mạng nhện "khủng" nhất từng được phát hiện cho tới hiện nay dài 25 mét. Loại tơ nhện do Caerostris darwini tạo ra chắc khỏe gấp 2 lần so với bất kỳ loại tơ nhện đã biết nào khác và gấp tới 10 lần loại sợi Kevlar siêu bền mà con người sáng chế được. Xét về độ lớn của mạng nhện và độ bề chắc của tơ nhện, bạn có thể đoán loài sinh vật này chắc phải to lớn lắp. Tuy nhiên, trong thực tế, nhện cái Caerostris darwini có kích thước cơ thể không quá 2cm. Nhện đực thậm chí còn bé hơn nhiều, chỉ bằng 1/5 kích thước con cái.



Loài đỉa có răng được phát hiện trong mũi của một cô gái trẻ ở Peru. Với tên khoa học Tyrannobdella rex có nghĩa là "đỉa bạo chúa", loài sinh vật hút máu này sống phổ biến ở các vùng xa xôi thuộc khu vực Thượng Amazon của Peru. Mặc dù dài không đầy 5cm nhưng đỉa Tyrannobdella rex sở hữu những chiếc răng to lớn trên mỗi hàm. Theo các nhà khoa học, tổ tiên của họ đỉa này sinh sống cách đây khoảng 200 triệu năm, quanh khoảng thời gian khủng long xuất hiện trên trái đất. Vì vậy, tồn tại khả năng là tổ tiên của đỉa có răng từng ký sinh trong mũi của loài khủng long bạo chúa. Hiện, các nhà khoa học đã biết tới khoảng 700 loài đỉa khác nhau trên toàn thế giới.



Làm thế nào loài thằn lằn màu sắc tươi sáng và dài tới 1,8 mét này lại không được phát hiện trong thời gian dài tới như vậy? Mặc dù "to xác" nhưng thằn lằn Varanus bitatawa đã tìm được cách tránh bị chú ý nhờ việc hiếm khi rời khỏi các cây mà chúng trú ngụ trong các khu rừng của Philippines. Không giống như người họ hàng - rồng Komodo, loài thằn lằn này về cơ bản "ăn chay", tức là sống dựa chủ yếu vào trái cây, quả sung, quả hạch và đôi khi là ốc sên.



Loài côn trùng này trông như sinh vật lai giữa gián và châu chấu. Thực ra, đây là một loài gián mới có tên khoa học là Altoblattella montistabularis. Chúng sở hữu những cái chân sau đã biến đổi, tao cho chúng khả năng nhảy như châu chấu. Mặc dù các  con gián nhảy từng tồn tại cuối kỷ Jura nhưng trước đây, người ta chưa từng tìm thấy chúng sinh trưởng ở thời đại hiện đại.



Các nhà khoa học quan sát thấy cây nấm lá tia có tên khoa học Psathyrella aquatica này duy trì tình trạng ngập nước trong hơn 11 tuần ở vùng thượng sông Rogue thuộc bang Oregon, Mỹ. Đây là loài nấm đầu tiên được biết đến có đặc tính "đơm hoa kết trái" dưới nước.



Được phát hiện đầu tiên tại một chợ bán thịt thú rừng ở Tây Phi, loài linh dương mới này đã khiến các nhà khoa học ngạc nhiên vì chúng thuộc về một nhóm động vật được nghiên cứu rất kỹ. Loài linh dương mới được đặt tên khoa học là Philantomba walteri theo tên của Walter N. Verheyen - một nhà nghiên cứu động vật có vú châu Phi và có thể là người đầu tiên tìm hiểu về chúng anwm 1968 ở Badou, Togo.



Loài vi khuẩn "ghiền" gỉ sét độc nhất vô nhị này được phát hiện ở xác con tàu đắm RMS Titanic dưới đáy biển. Các vi khuẩn này ăn oxit sắt và gây hại cho phần còn sót lại của con tàu Titanic huyền thoại: Chúng bám vào các bề mặt kim loại và tạo ra những ụ ăn mòn xác tàu Titanic.



Loài dế này là một chuyên gia thụ phấn. Chúng là côn trùng thụ phấn duy nhất cho loài phóng lan quý hiếm Angraecum cadetii trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.

  • Thanh Bình