Theo báo Copenhagen Post, chính phủ Đan Mạch vừa chính thức công khai ý định sẽ tuyên bố Bắc Cực thuộc chủ quyền của Vương quốc Đan Mạch. Nếu chuyện này có thực thì đó là bởi vì Bắc Cực hiện không thuộc về quốc gia nào. Tại sao lại như vậy và liệu có quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này hay không?

Để trả lời được các câu hỏi trên, chúng ta cần xem xét nhiều khia cạnh. Trước hết, Bắc cực và các vùng nước bao quanh là những vùng nước quốc tế không thuộc về bất kỳ quốc gia nào.

Một góc quang cảnh Bắc Cực. Ảnh: NOAA.

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, các quốc gia ven biển có quyền sở hữu và khai thác đối với những tài nguyên biển trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển nước họ và đó được gọi chung là các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Ngoài các vùng EEZ, biển không thuộc về quốc gia nào.

Tuy nhiên, Luật biển cho phép một số quốc gia mở rộng tuyên bố chủ quyền của họ nếu thềm lục địa của nước đó kéo dài sang các vùng biển quốc tế vượt ngoài các khu vực EEZ. Theo điều khoản này, Nga đã tuyên bố chủ quyền đối với các tài nguyên trên đáy biển và biển xung quanh dãy núi Lomonosov - một dãy núi dưới nước vắt ngang qua Bắc Cực.

Tạp chí National Geographic dẫn lời một số chuyên gia nhận định, tin tức về động thái của Đan Mạch là hoàn toàn bất ngờ. Chính phủ của nước này có thể sẽ tuyên bố Bắc Cực là một phần mở rộng của Greenland, một vùng tự trị bên trong Vương quốc Đan Mạch.

Mạng lưới biên giới quốc gia phức tạp ở Bắc Cực và các vùng biển cả trong khu vực "lỗ bánh rán" giữa những vùng đặc quyềng kinh tế của các quốc gia gần Bắc Cực. Ảnh: Đại học Durham.

Tại sao nhiều nước đặc biệt quan tâm đến Bắc Cực và các vùng nước xung quanh? Đơn giản là vì, băng đang tan chảy và điều đó mở ra các cơ hội kinh doanh mới: dầu và khí đốt, khoáng sản, thủy sản cũng như các tuyến đường vận chuyển mới.

Mỹ không thể đưa ra tuyên bố chủ quyền như Đan Mạch vì nước này vẫn chưa phê chuẩn Công ước về Luật biển. Một nhóm thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã ngăn cản việc phê chuẩn công ước Liên hợp quốc với lý do nó sẽ gây phương hại đến lợi ích quốc gia Mỹ. Trớ trêu thay, điều đó khiến Mỹ rơi vào thế bất lợi so với các quốc gia gần Bắc Cực khác đã phê chuẩn Công ước.

Dù thế nào, nhiều chuyên gia, học giả cũng như các tổ chức khoa học và bảo tồn đều tin rằng, khu vực "lỗ bánh rán" nằm giữa các đặc khu kinh tế của Bắc Cực cần phải được tuyên bố và công nhận là nơi bảo tồn chung, không được chiếm giữ. Hệ sinh thái ở đó quá yếu ớt và độc nhất vô nhị, xứng đáng là một di sản cho toàn nhân loại.

  • Thanh Bình