- Hiện nay, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam đang ở mức 81%. Chúng tôi phấn đấu trong những năm tới hạ tỉ lệ vi phạm xuống 75 hoặc 70%.
Tỉ lệ phần mềm lậu tại Việt Nam đang ở mức 82%. |
Thông tin trên được ông Trần Văn Minh, Chánh thanh tra Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra tại Lễ phát động chương trình “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4” diễn ra sáng 31/3 tại Hà Nội.
Theo ông Minh, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia đang có những bước tiến mạnh mẽ và khả quan trong cuộc chiến chống xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính.
Từ năm 2004 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 92% đến năm 2014 chỉ còn 81%, giảm 11 điểm phần trăm. “Đây là một nỗ lực lớn của các cơ quan thực thi và bảo hộ sở hữu trí tuệ việt Nam”, ông Minh khẳng định.
Ông Minh khẳng định, nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) nói chung và SHTT trong phần mềm máy tính nói riêng trong toàn xã hội được nâng lên một bước đáng kể trong những năm gần đây.
“Những năm gần đây, thông qua các đợt thanh tra kiểm tra, chúng tôi nhận thấy, các tổ chức cá nhân đều nhận thức được tầm quan trọng của việc cần thiết phải bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với chương trình phần mềm máy tính”, ông Minh cho hay.
Ông Minh cũng cho biết, trong năm 2014, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra 121 cuộc trong đó thanh tra đột xuất 82 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định phát luật về quyền tác giả đối với phần mềm máy tính.
“Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 1,5 tỉ đồng”, ông Minh cho biết.
Phạt 139 tỷ liên quan tới sở hữu công nghiệp
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh tại Lễ công bố "Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới". |
Liên quan tới thực thi SHTT trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, số liệu từ Ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động về phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2 (2012-2015) cho biết, chỉ trong 2 năm, 2013-2014, lực lượng thanh kiểm tra ở các bộ ngành và địa phương đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan tới hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp. Tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng.
Trong đó, cơ quan công an đã khởi tố 158 vụ liên quan tới 254 bị can.
“Từ năm 2013-2014 Việt Nam đã có sự tăng vượt bậc về số lượng đối tượng bị xử lý cũng như giá trị bị xử lý liên quan tới SHTT”, ông Trần Minh Dũng, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nhấn mạnh mục tiêu của “Tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới” nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội và công tác này, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý SHTT, các cơ quan thực thi quyền SHTT trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT cũng như trách nhiệm của người tiêu dùng đối với công tác này.
Theo ông Thanh, tháng hưởng ứng ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Việt Nam sẽ diễn ra từ 31/3-30/4 và tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT. Công tác thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về SHTT sẽ tiếp tục được triên khai và đẩy mạnh vào tháng 5 và các tháng tiếp theo.
P.V