Giải đáp khoa học tuần này sẽ giới thiệu đến bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về căn bệnh tay chân miệng, một căn bệnh rất nguy hiểm ở trẻ em.

Bạn ngocchung1999@gmail.com hỏi:

Hôm trước em xem truyền hình thấy nói về bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Em muốn hỏi, bệnh tay chân miệng là gì? Nguy hiểm thế nào?

Trả lời:

Bệnh tay chân miệng là bệnh do siêu vi trùng gây ra. Sở dĩ gọi nôm na là bệnh tay chân miệng (TCM) vì có biểu hiện chính là các mụn nước nổi ở vùng tay, chân và miệng.

Bệnh này gần đây phát hiện thêm tác nhân gây bệnh Enterovirus 71 (EV71), tác nhân này nguy hiểm có thể biến chứng não và tim gây tử vong cao và rất nhanh.

Tay chân miệng thường gặp ử trẻ em dưới 5 tuổi.

Chỉ riêng ngày 23/5/2011 tại 2 bệnh viện Nhi đồng 1, 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã có 104 trường hợp TCM nhập viện. Trong năm 2010, toàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một ca tử vong thì chưa đầy 5 tháng trong năm 2011 số ca tử vong đã lên tới 11 trường hợp.
Nguyên nhân khách quan là do biến chủng của EV71 có độc lực cao hơn đã xuất hiện ở VN. Siêu vi trùng có trong nước bọt, phân, bóng nước của trẻ bị bệnh. Chúng có thể bám vào bàn tay, sàn nhà, thức ăn, đồ chơi, dụng cụ ăn uống. Trẻ mắc bệnh TCM có thể nuốt phải thức ăn, khi ngậm đồ chơi chứa siêu vi trùng gây bệnh.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và rất dễ lây, lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ cùng nhà, cùng nhà trẻ.

Biểu hiện: Các nụm nước có kích thước 1 - 10 mm màu xám, hình bầu dục, ở mông, cổ, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và ở miệng, thường không đau, sau tự xẹp đi, từ 5 – 7 ngày đa số tự khỏi. Song nếu do tác nhân EV71 một số ca có biến chứng rất nguy hiểm và viêm não, viêm cơ tim…

Biến chứng não: không hôn mê sâu, khó nhận biết triệu chứng, khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc thiu thiu ngủ. Ngoài ra, trẻ còn có biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật,…

TCM đang có dấu hiệu bất thường, gần đây có giử 5 mẫu từ các ca tử vong ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 sang Đài Loan xét nghiệm, 2 trong số 5 mẫu bệnh phẩm là EV71 thuộc nhóm B2. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, B2 là phân nhóm đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.

Theo thống kê, 70% trẻ mắc bệnh TCM hiện không đi học; số trẻ đi học thì bệnh cũng khởi phát từ nhà. Việc khử khuẩn tại môi trường gia đình còn kém. Một số ca bị biến chứng thần kinh, co giật liên tục, bố mẹ đưa đến bệnh viện thường nghĩ là con bị chứng động kinh.

Theo bác sĩ Khanh thì bệnh TCM lây trực tiếp từ người sang người.Nếu phòng ngừa tốt không những tránh được bệnh TCM mà còn tránh được nhiều bệnh khác. Bệnh không khó phòng ngừa, chỉ cần vệ sinh tốt môi trường sinh hoạt, vệ sinh ăn uống thì có thể không mắc bệnh.

Ngành y tế đang tìm kiếm chất khử khuẩn mới không độc hại, dễ sử dụng tiện cho người dân.

Nguyễn An