Một nụ cười đơn giản có thể truyền tải hàng loạt cảm xúc, từ sự vui sướng, tán tỉnh tới sự e thẹn hay nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới, nụ cười cũng có thể tiết lộ bạn đến từ quốc gia nào.


{keywords}

Nụ cười của người Mỹ, giống như Tổng thống Barack Obama (phải) được phát hiện biểu cảm hơn và thể hiện sự vui mừng thực sự, trong khi nụ cười của người Nga như Tổng thống Vladimir Putin có xu hướng kín đáo, dè đặt hơn. Ảnh: EPA.

Các chuyên gia tâm lý đến từ trường Đại học Wisconsin-Madison (My) và Đại học Cardiff (Anh) phát hiện, người dân từ các quốc gia khác nhau có thể được phân chia thành các nhóm "văn hóa mỉm cười" khác nhau.

Chẳng hạn như, người Mỹ có xu hướng sở hữu nụ cười bộc lộ rõ sắc thái cảm xúc hơn người Nga và người Trung Quốc. Trong khi đó, người Nhật có xu hướng mỉm cười như một cách bày tỏ sự kính trọng hoặc che giấu khi họ buồn lòng với ai đó.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu tin, họ hiện đã lý giải được hiện tượng này. Họ khám phá ra rằng, người dân ở các nước có mức độ nhập cư cao trong lịch sử, có xu hướng sử dụng các biểu cảm mặt như một cách truyền tải hàm ý của họ nhiều hơn.

Cụ thể là, các nước có lượng người nhập cư lớn hơn trong 500 năm qua, chẳng hạn như Mỹ và Canada, nhiều khả năng diễn dịch nụ cười là biểu hiện thân thiện hoặc hạnh phúc. Theo nhóm nghiên cứu, đây có thể là một cách để vượt qua một số vấn đề giao tiếp nảy sinh ở những quốc gia có sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên, ở các xã hội ít sắc tộc hơn, việc mỉm cười dường như chứa đựng nhiều ý nghĩa phức tạp hơn.

Giáo sư Paula Niedenthal, người đứng đầu nghiên cứu, nói: "Chúng tôi cho rằng, sự thiếu vắng ngôn ngữ và văn hóa chung buộc mọi người phải bộc lộ cảm xúc phi ngôn từ nhiều hơn. Nếu không, bạn sẽ không biết người khác đang cảm thấy gì, suy nghĩ gì hay thích hoặc ghét cái gì. Và bạn cần phải truyền tải những thứ này để hỗ trợ việc giao thiệp và quản lý, để sinh tồn và thịnh vượng cùng nhau".

{keywords}

Ở Nhật, việc mỉm cười chứa đựng ý nghĩa khó hiểu hơn nhiều. Ở đất nước này, mỉm cười cũng thường được sử dụng như một cách bộc lộ sự quy phục hay phục tùng. Ảnh: Corbis

Kết luận trên được rút ra sau khi nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích kết quả một cuộc khảo sát về phản ứng xúc cảm trước các cảnh huống khác nhau, ở 5.000 người đến từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Họ nhận thấy, nụ cười ở những nước như Mỹ, Canada, Zimbabwe và Australia biểu cảm nhất xét về khía cạnh bộc lộ cảm xúc. Nụ cười ở Hong Kong được phát hiện ít bộc lộ rõ cảm xúc nhất, tiếp đến là nụ cười của người Indonesia, Bangladesh, Nga và Thụy Sỹ.

Khám phá trên phù hợp với các mẫu người điển hình đến từ Nga và Thụy Sỹ, vốn nổi tiếng có khuôn mặt nghiêm nghị và khó đoán định, trong khi mẫu người điển hình ở Mỹ thường được xem là khoa trương.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)