Một nhóm nhà khoa học Mỹ vừa nhận diện được nhược tử huyệt của virus Ebola - một trong những virus nguy hiểm nhất thế giới hiện nay, làm dấy lên hy vọng về các phương pháp chữa trị mới nhằm ngăn chặn mầm bệnh này lây lan.

{keywords}

Các nhà nghiên cứu phát hiện, nếu không thể tiếp cận protein NPC1, virus Ebola sẽ mất khả năng lây lan và giết chết nạn nhân của nó. Ảnh: Health Daily Info

Các nhà nghiên cứu ở New York, Mỹ tin rằng, họ đã định vị được một protein trọng yếu, ảnh hưởng tới việc virus Ebola có thể truyền nhiễm cho nạn nhân hay không.

Họ phát hiện, virus Ebola chỉ có thể xâm nhập vào các tế bào vật chủ bằng cách kết dính với protein có tên Niemann-Pick C1 (NPC1). Nếu không thể tiếp cận protein đó, Ebola sẽ mất khả năng lây lan và giết chết nạn nhân của nó.

Theo thống kế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), căn bệnh nguy hiểm do virus Ebola gây ra đã tấn công gần 27.000 người và giết chết 11.135 nạn nhân trong 18 tháng vừa qua. Hầu hết các ca nhiễm bệnh xảy ra ở Guinea (nơi khởi phát dịch), Sierra Leone và Liberia.

Ngày 9/5 vừa quá, WHO tuyên bố Liberia đã thoát dịch Ebola, đánh dấu 42 ngày sau khi chôn cất trường hợp nhiễm virus được ghi nhận cuối cùng vào tháng 3.

Bất chấp việc dịch Ebola đang suy yếu dần, khám phá mới được cho là rất có ý nghĩa. Các chuyên gia cảnh báo, dịch Ebola sẽ không được coi là chấm dứt cho tới khi trường hợp nhiễm virus cuối cùng được ghi nhận.

Vào thời kỳ đỉnh điểm của dịch bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái, giáo sư Peter Piot, một trong những nhà nghiên cứu tiên phát hiện ra virus Ebola ở Zaire vào những năm 70, từng khuyến cáo: "Ebola có thể lắng xuống và có thể tái bùng phát. Tôi từng nghĩ, vào tháng 5, dịch sẽ suy giảm dần, nhưng nó đã tái xuất trở lại".

Vì vậy, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tập trung nỗ lực của họ vào việc nghiên cứu bệnh, cố gắng phát triển vắc-xin Eobla hiệu quả đầu tiên trên thế giới.

Tiến sĩ Kartik Chandran và các cộng sự đến từ Trường Cao đẳng Y Albert Einstein (New York, Mỹ) tin rằng, ngăn chặn chuỗi phản ứng hóa sinh giữa virus Ebola và protein NPC1 có thể mang tới khả năng bảo vệ toàn diện trước mầm bệnh nguy hiểm này.

Tiến sĩ Chandran giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi hé lộ, NPC1 là gót Asin của việc truyền nhiễm virus Ebola. Những con chuột thiếu cả 2 bản sao của gen NPC1, tức là thiếu protein NPC1, hoàn toàn đề kháng trước việc nhiễm virus".

Tuy nhiên, nhóm của ông Chandran cũng khám phá ra rằng, protein NPC1 thực hiện các chức năng sống còn bên trong các tế bào. Nó vận chuyển cholesterol, và việc loại bỏ hoặc vô hiệu hóa protein này có thể làm khởi phát bệnh nặng. Cụ thể là, những người thiếu protein NPC1 do các đột biến gen thường phát triển một rối loạn có hại cho mô thần kinh, gọi là bệnh Niemann-Pick, vốn khiến các tế bào bị tắc nghẹt cholesterol, nguy hiểm chết người.

Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng, thực tế trên không phải là chướng ngại vật khó vượt qua. Theo họ, các bệnh nhân có thể chịu đựng được biện pháp chữa trị mới do nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Việc phong tỏa hoàn toàn protein hoặc trừ khử virus khỏi cơ thể vĩnh viễn thậm chí có thể không cần thiết.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)