- Amiăng trắng vẫn không vượt qua nguyên tắc “đồng thuận 100%” để được đưa vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam. Để cấm amiăng trắng tại Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Amiăng trắng vẫn “lọt lướt”

Hội nghị thành viên lần thứ 7 (COP7) Công ước Rotterdam diễn ra từ 4-15/5 tại Geneve Thụy Sĩ. Một trong những nội dung chính được quan tâm của hội nghị lần này là việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3, phụ lục các loại hóa chất công nghiệp và thuốc trừ sâu phải quản lý chặt chẽ thông qua cơ chế thông báo trước trong thương mại quốc tế.

{keywords}
Amiăng trắng vẫn "lọt lưới" tại hội nghị COP7 Công ước Rotterdam. 

Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày hội nghị với những phiên thảo luận căng thẳng, cuối cùng, amiăng trắng vẫn không được đưa vào Phụ lục 3 do không có được sự đồng thuận của 100% các nước thành viên công ước.

Trong phiên họp chính thức, có 7 nước trong tổng số 154 nước thành viên phản đối việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3. Trong phiên tiếp theo, con số này rút xuống chỉ còn 4 nước (gồm: Nga, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Zimbabuwe) song vẫn đủ để amiăng trắng “lọt lưới”.

Kết quả này khiến giới quan sát cảm thấy thất vọng. Nhiều đại biểu thậm chí còn đề nghị xem xét lại nguyên tắc “đồng thuận 100%” của công ước do chỉ có một số nhỏ các nước (chưa tới 5%) và lại những nước hưởng lợi trực tiếp từ amiăng phản đối, song lại quyết định kết quả cuối cùng.

Chính nguyên tắc ‘dân chủ tối thượng’ này đã làm chậm đáng kể bước tiến của công cuộc kiểm soát hóa chất độc hại trên thế giới, trong đó có amiăng trắng”, TS. Trần Tuấn, thuộc Liên minh Vận động Chính sách Y tế (EBHPD), người trực tiếp tham gia hội nghị tại Geneva nói tại Hội thảo chia sẻ thông tin kết quả COP7 diễn ra sáng 30/5, tại Hà Nội.

Bước tiến của Việt Nam

Trước khi COP7 diễn ra, Việt Nam nhận được rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế do Việt Nam là một trong số 7 quốc gia phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 tại COP6 diễn ra năm 2 năm trước. Vào thời điểm đó, 7 quốc gia này còn được gọi là nhóm “Dirty 7”.

{keywords}
TS. Trần Tuấn thuộc EBHPD. Ảnh: Lê Văn.

Việc Việt Nam bị đưa vào nhóm “Dirty 7” tại COP6 được cho là do đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã chịu tác động lèo lái của nhóm vận động chống đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Rotterdam dẫn đầu là Nga, nước xuất khẩu amiăng chính sang Việt Nam và thị trường quốc tế nói chung.

Theo TS. Trần Tuấn, tại hội nghị năm nay cũng xuất hiện nhóm vận động chống đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 của Công ước Roterdam đến từ Hiệp hội amiăng trắng quốc tế (IOA) và đại diện của các nước Nga, Ấn Độ, Brazil.

Đáng nói, trong 22 thành viên nhóm này cũng có 3 đại diện đến từ Việt Nam, và đặc biệt cả ba đại diện này đều đến từ Hiệp hội tấm lợp Việt Nam”, ông Tuấn thông tin.

Điều này một phần giải thích tại sao từ năm 2001, chính phủ Việt Nam đã đặt lộ trình cấm amiăng trắng vào năm 2004 nhưng sau đó liên tục bị đẩy lùi đến 2010, 2015, 2020 rồi mới đây Bộ Xây dựng còn đưa ra mốc đẩy lùi cấm amiăng trắng tới tận năm 2030, theo TS. Tuấn.

Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, đoàn Việt Nam, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước đó đã “không phản đối” đề nghị đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3.

Từng là một trong những nước thuộc nhóm “Dirty 7” tại COP6, việc đoàn Việt Nam giữ thái độ “im lặng”, không có ý kiến tại phiên thảo luận đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3, được xem là một bước tiến đáng kể của Việt Nam.

Hành trình gian nan

{keywords}
Cấm amiăng trắng tại Việt Nam vẫn là hành trình còn nhiều gian nan.

Theo TS. Trần Tuấn, việc amiăng trắng “lọt lưới”, không được đưa vào Phụ lục 3 của Công ước Rotterdam không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Điều này một lần nữa cho thấy thế lực của tổ hợp công nghiệp sản xuất amiăng trắng gắn với chính trị vận động để phục vụ mục tiêu kinh doanh, bất chấp bằng chứng khoa học về cái giá cộng đồng phải trả cho tổn hại sức khỏe và môi trường.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng, sau nhiều năm hội nghị không đạt được sự đồng thuần do vấp phải sự phản đối của các quốc gia có lợi ích trực tiếp đến amiăng trắng nên loại ra khỏi danh sách thành viên chính thức các quốc gia liên tiếp 3 kỳ hội nghị đều phản đối.

Ngoài ra, một số ý kiến ủng hộ xu hướng “cấm amiăng trắng” theo khu vực, theo nước và tẩy chay thương mại với các quốc gia cố tình “phá đám”, TS. Tuấn chia sẻ.

Tại Việt Nam, từ năm 2014, khi có sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, quan điểm của Chính phủ về vấn đề amiăng trắng đã có bước chuyển tích cực.

Bằng chứng rõ ràng nhất là chỉ thị của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn tại Công văn 7307/VPCP-KGVX, ngày 19/9/2014, trong đó chỉ đạo Bộ Công thương “không phản đối” đưa amiăng trắng vào Phụ lục 3 Công ước Roterdam.

Tuy nhiên, để có thể tiến tới cấm amiăng trắng tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Theo BS. Đỗ Thị Vân, thuộc Trung tâm Thông tin Tổ chức phi chính phủ (NGO-IC), việc đầu tiên cần làm là phải xây dựng được lộ trình cấm amiăng trắng vào năm 2020 theo đúng chỉ thị của Công văn 7307.

Theo chỉ thị của Công văn 7307, Bộ xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Lộ trình cụ thể thực hiện mục tiêu dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp vào năm 2020.

Vấn đề là bao giờ Bộ Xây dựng có được lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp ở Việt Nam theo chỉ thị 7307?”, BS. Vân nêu câu hỏi.

Ngoài việc xây dựng lộ trình cấm amiăng trắng, vấn đề xử lý các hậu quả môi trường và sức khỏe do việc sử dụng amiăng trắng là điều khiến nhiều nhà khoa học quan ngại.

Tại nhiều quốc gia phát triển, mặc dù amiăng trắng đã bị cấm từ lâu song những hậu quả mà chất độc này để lại vẫn rất nghiêm trọng và việc xử lý vô cùng tốn kém.

Chẳng hạn như tại Pháp, amiăng trắng bị cấm từ năm 1997, song theo số liệu của Hội đồng cao cấp về y tế công, mỗi năm, vẫn có thêm 2.200 trường hợp ung thư hàng năm được cho là do amiăng trắng gây ra. Ước tính, từ nay tới năm 2050, sẽ còn 68-100 ngàn người chết vì amiăng trắng.

Tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á, nơi sử dụng amiăng trắng nhiều nhất thế giới như Việt Nam, theo một nghiên cứu năm 2011 của Tạp chí Respirology của Hội châu Á Thái Bình Dương số người tử vong vì amiăng sẽ tăng cao trong 20 năm tới.

Lê Văn