Năm nay vào tuổi 80, ông có một “gia tài” hết sức độc đáo. Đó là những phát hiện về 200 loài cá nước ngọt dọc sông suối Bắc Trường Sơn và đặt tên cho 10 loài cá mới của thế giới... Ông là nhà giáo, T.S, nhà khoa học Nguyễn Thái Tự, nhưng mọi người thường quen gọi ông là ông già “Einstein”. Hiện gia đình ông trú tại xóm Yên Phúc, phường Hưng Phúc, TP.Vinh (Nghệ An).
Biệt danh “ông già Einstein”
Câu chuyện về cuộc đời làm khoa học của ông già “Einstien” này còn ghi dấu khắp các con sông, ngọn suối từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình và tận các hang động lạ lẫm, bí hiểm của Phong Nha-Kẻ Bàng cách đây hàng chục năm.
|
Ông Tự kể chuyện những chuyến đi tìm cá lạ. |
Giờ ông ngồi kể lại chuyện một đời đi tìm cá lạ bằng những chiều ngồi trên thuyền với các ngư dân rong ruổi dọc các con sông khi gềnh, khi thác. Khi đưa được loài cá mới về bảo tàng cá nước ngọt của ông thì những ngư dân lái thuyền đưa ông đi đã trở thành bạn thân trong kí ức. Nhiều nhà ngư loại học thế giới tìm đường đến căn phòng trong chung cư Quang Trung ở TP.Vinh của ông, ngồi nghe kể lại những chuyện này hoặc tranh luận với ông trên các tạp chí khoa học thế giới về các nước ngọt cũng trở thành bạn thân. “Đó là những người bạn lớn trong cuộc đời làm khoa học của tôi”-ông già bạc tóc vì cá nói.
Tủ sách quý của nhà ngư loại học Nguyễn Thái Tự. |
Còn biệt danh “ông già Einstein” xuất hiện cùng với một câu chuyện thú vị. Ông kể, tại hội thảo khoa học ở Quảng Bình do WWF tổ chức, ông được mời báo cáo kết quả điều tra đa dạng sinh học ở Phong Nha-Kẻ Bàng. Như được khơi dậy vốn kiến thức bao năm tìm tòi, sáng tạo, ông Tự phân tích bốn bước quan trọng nhất về quá trình hình thành loài cá mới.
Bước một là “Biến dị cá thể”. Theo ông ở Phong Nha-Kẻ Bàng có nhiều dạng cá chép như cá chép hoa, chép thường, chép hồng. Những loài cá này tuy sống cùng một sông suối nhưng có nhiều dạng hoàn toàn khác nhau.
Bước hai là “Biến dị chủng quần”. Ông dẫn chứng, loài cá chờng rờng sống ở Trộ Mợng của Phong Nha-Kẻ Bàng to bằng bắp đùi nhưng sống ở sông suối khác ở Quảng Bình thì con lớn nhất cũng chỉ bằng ống điếu cày.
Bước ba “Sự hình thành các phân loài mới đã có những khác biệt lớn nhưng chưa phải loài mới”. Bước bốn, “Tập tính khác biệt khi hình thành loài mới”. Ông dẫn chứng: Cá chép hoa và cá ton thuộc chi cá chép nhưng không bao giờ giao phối với nhau. Nguyên nhân của đặc điểm quý báu này là những sông suối ngầm của núi đá vôi tạo nên những chướng ngại thiên nhiên, làm cách li lâu đời và đã làm những biến dị cá thể tiến hóa thành những biến dị chủng quần, tạo những phân loài mới trong phạm vi địa lí hẹp ở Phong Nha-Kẻ Bàng khác hẳn so với nhiều vị trí khác trên thế giới.
Bảo tàng cá nước ngọt ở Phong Nha-Kẻ Bàng của ông Tự |
Trên diễn đàn, ông Tự còn gây những thú vị khác khi chứng minh thuyết phục Phong Nha-Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh thứ tư của chi cá chép “Cyprimus”. Cụ thể, trung tâm phát sinh thứ nhất ở vĩ độ 24 của Hoa Nam (Trung Quốc). Trung tâm này phát tán lên vĩ độ 26 cũng ở Hoa Nam tạo thành trung tâm thứ hai, phát tán xuống miền Bắc VN tạo thành trung tâm thứ ba. Phong Nha-Kẻ Bàng là trung tâm thứ tư. Ông Tự gây bất ngờ tiếp khi chứng minh Phong Nha-Kẻ Bàng là trung tâm phát sinh của tộc cá chép “Cyprimus” ở Đông Nam Á.
Khi ông Tự trình bày xong, vừa bước xuống diễn đàn thì ông Tomas Dillon (cố vấn trưởng dự án) công kênh ông già xứ Nghệ lên và nói vui: “Vietnamese Einstein”. Ông Tự đùa lại ngay: “Có lẽ ngài thấy râu tóc của tôi giống nhà khoa học vĩ đại Einstein chăng”. Hội trường cuộc diễn đàn được dịp cười thú vị.
Chuyện đặt tên cho loài cá mới
Trong ngôi nhà giản dị mới xây ở xóm Yên Phúc, phường Hưng Phúc, TP.Vinh nổi bật hai “báu vật” của đời ông. Đó là một tủ sách với những tài liệu khoa học về cá nước ngọt ở Đông Nam Á và thế giới. Hai là bảo tàng về hàng trăm loài cá nước ngọt-những công trình nghiên cứu suốt cả đời khi ông đang là giảng viên khoa Sinh, trường đại học Vinh và bao năm tháng lặn lội, ăn rừng nằm rú khắp sông suối từ Nghệ An vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Ông kể: “Năm 1998 bảo tàng cá của tôi nằm dưới gầm cầu thang của chung cư Quang Trung do phòng ở chật chội quá. Một số tổ chức nghiên cứu về cá nước ngọt Đông Nam Á biết vậy nên hộ trợ cho tôi di chuyển cái bảo tàng cá về xóm Yên Phúc này”. Trong hai cái bảo tàng cá nước ngọt ấy lưu giữ biết bao câu chuyện kì thú về số phận những con cá do ông tìm thấy và đặt tên rồi được các nhà khoa học đưa vào sách đỏ.
Ông Tự và Giải thưởng Hồ Chí Minh. |
Năm 1992 ông Frank Noiy (cố vấn trưởng dự án vườn quốc gia Vũ Quang từ Hà Lan bay sang Hà Nội vào Hà Tĩnh để nhìn con cá Vũ Hà do ông Tự vừa mới phát hiện và đặt tên. Ông Tự nói với ông Frank Noiy, dân địa phương gọi con cá này là cá Cộ nhưng tôi đặt thêm một tên mới là cá Vũ Hà. Ông Frank Noiy ngạc nhiên yêu cầu ông Tự giải thích. Ông Tự chỉ vào đàn cá đang bơi lội lấp lánh trong dòng suối, mô tả: Một tập tính sinh học khác biệt của loài cá này là vào mùa sinh sản nó giao hoan cả đàn trên sông, suối. Những cái sọc vàng, sọc xanh trên mình con cá khác nào chúng đang mặc những bộ váy cưới rất sinh động giữa vũ hộ sông nước.
Nghe chuyện ông Frank Noiy mỉm cười khi hiểu rằng “vũ hà là nhảy múa trên sông”. Ông Tự thêm: Vũ còn có nghĩa là Vũ Quang. Hà là chặng đường ông bay từ Hà Lan sang Hà Nội vào Hà Tĩnh. Nghe xong ông Frank Noiy lộ vẻ thích thú.
Năm 1993, tiến sĩ John Mackinnon (trưởng đoàn khảo sát đa dạng sinh học khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang của Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới tại VN-WWF cùng ông Tự và một kiểm lâm thạo nghề sông nước đi thả lưới trên sông. Khi anh kiểm lâm gỡ lưới đưa cho xem một con cá Lá Giang lấp lánh màu cánh sen rất đẹp. Ông Tự reo lên: “Đây là loài cá mới” thì tiến sĩ John Mackinnon cầm con cá lên tay và nói vẻ ngờ vực: “Đây là cá mới của ông Tự thôi. Phát hiện một loài cá mới cho thế giới đâu phải chuyện dễ”.
Biết tiến sĩ John Mackinnon chê mình như “ếch ngồi đáy giếng”, ông Tự lặng lẽ nghiên cứu để chứng minh cho được cá La Giang là một loài cá mới. Quay về, trong ba năm (1993-1995), ông Tự mày mò nghiền ngẫm phân tích rồi trao đổi bằng thư từ với ông M.Kottlat (tổng biên tập Tạp chí Cá nước ngọt thế giới, trụ sở đóng tại Đức). Suốt những năm tháng này, ông M.Kottlat liên tục hỏi bản thảo kỹ lưỡng từng chi tiết con cá La Giang và cuối cùng đồng ý khẳng định đây là loài cá mới. Khi biết thông tin này tiến sĩ John Mackinnon liền tạo điều kiện cho ông Tự nghiên cứu đề tài “Bảo tồn tính độc đáo của khu hệ cá núi đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng. “Mãi tới năm 2007 loài cá mới La Giang được các nhà khoa học đưa vào sách đỏ với tên “Parazacco vuquangensis, Tự, 1995. Ông Tự vui mừng nói đây là một trong những niềm vui nhất của đời ông.
Giải thưởng Hồ Chí Minh: Cho đến thời điểm này nhà giáo, T.S, nhà khoa học Nguyễn Thái Tự đã phát hiện được 200 loài cá nước ngọt trong tổng số 544 loài cá của cả nước; 72 công trình khoa học cấp quốc gia và quốc tế; 10 cuốn sách nghiên cứu về cá, trong đó có những giáo trình về động vật chí VN, thực vật chí VN, sách đỏ và danh mục đỏ VN. Năm 2012 ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. |
- Vũ Toàn