Tàu điện ngầm chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên nối Paris (Pháp) và Amsterdam (Hà Lan) đã chính thức đi vào hoạt động vào đầu tuần này.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Những tấm pin Mặt trời được lắp đặt trên bề mặt của đường hầm Antwerp (Bỉ). Ảnh: Daily Mail

Công ty Enfinity, có trụ sở tại Mỹ và là chủ dự án, cho biết hệ thống cung cấp năng lượng gồm 16.000 tấm pin mặt trời đã được lắp đặt dọc đường hầm Antwerp (Bỉ) với diện tích rộng 50.000 m2 (tương đương diện tích của 8 sân bóng đá).

Lượng pin mặt trời này có thể tạo ra 3.3000 MWh điện, đủ để duy trì hoạt động cho hơn 40.000 chuyến tàu điện từ Paris (Pháp) tới Amsterdam (Hà Lan) và ngược lại mỗi năm, khi đi qua đường hầm Antwerp. Điều này không chỉ giúp giảm 2.400 tấn CO2/năm mà con giúp giảm tối đa chi phí vận hành và giá vé.

Tờ Daily Mail dẫn lời ông Steven De Tollenaere, thành viên của công ty Enfinity, phát biểu: “Bằng cách sử dụng điện năng từ mặt trời, chúng ta có thể giảm chi phí cho năng lượng và giảm giá vé cho hành khách”.

Chuyến “tàu điện xanh” đầu tiên đã rời khỏi Antwerp ngày 6/6 vừa qua với các hành khách đi tàu điện thường xuyên và sinh viên. Ban đầu, phần lớn hành khách đều không biết chuyến tàu họ đang đi sử dụng quang năng.

Không chỉ dùng cho hoạt động của tàu điện ngầm khi đi qua đường hầm Antwerp, quang năng còn được sử dụng để thắp sáng đèn tín hiệu trong đường hầm này. Sau khi rời khỏi đường hầm, tàu điện sẽ chuyển từ nguồn điện mặt trời sang nguồn điện của hệ thống và hoạt động bình thường.

Công ty Enfinity hy vọng, dự án trị giá 12 triệu Bảng Anh (khoảng 19,7 triệu USD) này sẽ được mở rộng sang Mỹ. Tuy nhiên, Enfinity không có ý định giới thiệu hệ thống tàu điện ngầm chạy bằng năng lượng mặt trời tại Anh – quốc gia có mạng lưới tàu điện ngầm rất phát triển, vì lo ngại chính sách hạn chế chi tiêu vừa được đưa ra gần đây của quốc gia này.

  • Hà Hương