- Với thông tư mới về định mức kinh phí với các dự án khoa học công nghệ (KHCN), các nhà khoa học sẽ không còn rơi vào tình cảnh buộc phải nói dối như trước đây.

Thông tư liên tịch số 55 do Bộ Tài chính và Bộ KH&CN ban hành ngày 22/4 và có hiệu lực từ 8/6, đưa ra những quy định mới về định mức chi và xây dựng dự toán cho các dự án KHCN, hứa hẹn sẽ giúp “cởi trói” cho các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tại buổi họp báo sáng 9/7. Ảnh: Lê Văn.

Trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ sáng nay, 9/7, ông Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, so với những quy định tại Thông tư liên tịch 44 ban hành năm 2007, Thông tư 55 có sự thay đổi lớn về định mức chi cũng như có cách tiếp cận mới trong hướng dẫn xây dựng dự toán cho các dự án KHCN.

Theo đó, ngoài định mức cao hơn hẳn so với quy định trước đó, Thông tư 55 cũng quy định việc tính toán công lao động của nhà khoa học tham gia dự án dựa theo ngày công lao động chứ không tính theo chuyên đề như trước đây.

Trước đây, do định mức chi thấp và công lao động của các nhà khoa học được tính theo các chuyên đề nên khi làm khối lượng công việc cao, các nhà khoa học thường phải “vẽ” ra các chuyên đề để có thể thanh toán đúng sức lao động của mình.

Việc tính công lao động theo ngày công sẽ giúp các nhà khoa học thanh toán đúng sức lao động của mình, không phải nói dối, không phải vẽ chuyên đề nữa”, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ KHCN giải thích.

Trước câu hỏi liệu các nhà khoa học lại “vẽ” ngay công lao động thay vì “vẽ” chuyên đề như trước đây hay không, ông Hoàng Minh Thức, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tổng hợp, Bộ KHCN cho rằng, việc lên dự toán ngày công lao động sẽ được các hội đồng khoa học xét duyệt bằng kinh nghiệm chuyên môn của họ.

Ngoài ra, theo cơ chế khoán chi thì các nhà khoa học hoàn toàn có thể thay đổi thời gian thực hiện cũng. “Chẳng hạn dự toán được đồng ý thực hiện trong 10 ngày nhưng trong thực tế chỉ làm 5 ngày thì các nhà khoa học có thể nghiệm thu 5 ngày còn lại 5 ngày thì nhận công việc khác”.

Ngoài cách tiếp cận mới trong cách tính công lao động, Thông tư 55 cũng bổ sung nhiều điểm mới giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học triển khai hoạt động nghiên cứu, chẳng hạn quy định thuê chuyên gia, chung chi cho đơn vị chủ trì hay hỗ trợ nhà khoa học đăng ký quyền sở hữu công nghiệp.

Theo Thứ trưởng Tạc, các quy định trước đây không có quy định về việc chi cho việc thuê chuyên gia, khiến việc chi trả cho các chuyên gia gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong Thông tư 55 đã cho phép thuê chuyên gia trong nước với định mức lên tới 40 triệu/tháng. Với chuyên gia nước ngoài, mức chi cũng cho phép lên tới 50% dự toán của dự án.

Bên cạnh đó, quy định trước đó không có khoản chi nào cho cơ quan chủ trì, nơi các chủ nhiệm dự án thực hiện các đề tài dự án, sử dụng điện nước và cơ sở vật chất. Điều này đã dẫn đến việc các cơ quan chủ trì đã ra văn bản trái quy định đòi chủ nhiệm đề tài để lại phần trăm kinh phí để bù các khoản chi phí này.

Theo ông Bùi Thế Duy, Thông tư 55 sẽ giải quyết được vướng mắc này khi có nhiều quy định về dự toán liên quan tới hoạt động của cơ quan chủ trì liên quan tới điện nước, cơ sở vật chất cũng như chi phí quản lý. “Việc ra đời của Thông tư 55 sẽ giải quyết được những vướng mắc trước đây giữa chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài”, ông Duy khẳng định.

Ngoài ra, theo quy định mới, các nhà khoa học cũng được hỗ trợ để công bố kết quả nghiên cứu cũng như đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được thanh toán trực tiếp từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia.

Cơ chế tài chính cứng nhắc, thủ tục thanh quyết toán rườm rà được coi là một trong những vướng mắc lớn khiến hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tại Việt Nam gặp khó khăn trong thời gian qua. Do vậy, những quy định mới tại Thông tư 55 được cho sẽ tháo gỡ nút thắt quan trọng này.

Lê Văn