- Việc thực hiện chiếu xạ ngay tại Hà Nội sẽ giúp chi phí xuất khẩu của quả vải thiều giảm được 2 USD mỗi kg. Hiện tại, vải thiều xuất khẩu đều phải vận chuyển từ miền Bắc vào Tp. Hồ Chí Minh để chiếu xạ.
Đội giá vì thiếu dây chuyền chiếu xạ
Tháng 10/2014, Mỹ cấp phép cho vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Mới đây, Australia cũng cho phép Việt Nam đưa vải thiều sang tiêu thụ tại thị trường nước này. Song để xuất khẩu sang hai thị trường khó tính này, vải thiều Việt Nam phải đạt quy chuẩn diệt khuẩn bằng phương pháp chiếu xạ.
Vải thiều tại một vườn vải Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Lê Văn |
Tuy nhiên, trong khi vải thiều được trồng chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc (Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh) thì các trung tâm chiếu xạ đạt tiêu chuẩn của thị trường Mỹ chỉ có tại miền Nam. Do đó, vải thiều xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc đều phải vận chuyển vào hai trung tâm tại Tp. Hồ Chí Minh để chiếu xạ.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), việc phát sinh khâu vận chuyển bằng đường hàng không đưa vải vào chiếu xạ tại 2 trung tâm tại Tp. Hồ Chí Minh khiến giá thành vải thiều xuất khẩu đội lên khoảng 2 USD mỗi kg.
Hiện tại, theo các doanh nghiệp xuất khẩu vải thì chi phí vận chuyển chiếm tới hơn 60% chi phí xuất khẩu khiến giá thành của trái vải thiều tại thị trường như Mỹ, Australia cao gần gấp 2 lần so với vải Trung Quốc.
Trên thực tế, tại Hà Nội, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội, thuộc Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, do sử dụng dây chuyền công nghệ cũ của Nga nên việc chiếu xạ tại trung tâm này không đáp ứng điều kiện mà phía Mỹ đưa ra.
Từ đầu năm nay, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội để có phương án nâng cấp công nghệ tại trung tâm đáp ứng yêu cầu chiếu xạ cho hoa quả xuất khẩu, trong đó có vải thiều.
Sau đó, Viện Năng lượng nguyên tử, đơn vị chủ quản của trung tâm này đã trình dự án cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ chiếu xạ vải, nhãn xuất khẩu và được Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) phê duyệt chủ trương vào tháng 4/2015. Tuy nhiên, tới nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vẫn chưa được cấp đủ kinh phí để nâng cấp công nghệ đáp ứng yêu cầu chiếu xạ cho hoa quả.
Trong buổi làm việc với Viện Năng lượng nguyên tử và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định việc nâng cấp Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội là vấn đề được người dân rất quan tâm mong đợi nhằm sớm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hoa quả. Đây còn là mục tiêu lâu dài để đưa nhiều loại nông sản khác ở miền Bắc tiến lên chuyên nghiệp phục vụ xuất khẩu.
Khó khăn vì dùng vốn ngân sách
Trên thực tế, tới nay, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã được cấp kinh phí để để nhập khẩu thiết bị nâng cấp dây chuyền chiếu xạ từ Hàn Quốc và Italia. Để đáp ứng yêu cầu chiếu xạ cho hoa quả như vải thiều, trung tâm này chỉ cần xây dựng thêm kho đầu ra và đầu vào với mức kinh phí chỉ khoảng vài tỉ đồng. Tuy nhiên, tới nay, nguồn kinh phí cho việc này vẫn chưa được cấp khiến việc hoàn thiện nâng cấp dây chuyền chiếu xạ bị chậm trễ.
Lý giải nguyên nhân việc thực hiện nâng cấp công nghệ chiếu xạ tại Trung tâm Hà Nội chậm chạp trong thời gian qua, ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, “việc này (cấp vốn) có một số khó khăn vì phải chuyển nguồn (vốn) từ đơn vị này sang đơn vị khác nên có nhiều vướng mắc”.
Tuy vậy, ông Thành khẳng định, trong thời gian qua, Viện Năng lượng nguyên tử đã có biện pháp để triển khai việc nâng cấp sớm và dự kiến, cuối năm sẽ hoàn thành việc nâng cấp này.
“Sau khi hoàn thành việc nâng cấp, chúng tôi sẽ mời phía Mỹ sang để xem xét và cấp chứng chỉ cho dây chuyền chiếu xạ của trung tâm và từ năm sau có thể thực hiện việc chiếu xạ cho hoa quả xuất sang Mỹ và một số nước khác được”, ông Thành khẳng định.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ KHCN cho rằng, khác với các trung tâm chiếu xạ trong Tp. Hồ Chí Minh do tư nhân đầu tư, việc đầu tư nâng cấp công nghệ chiếu xạ tại Hà Nội là theo nguồn ngân sách nhà nước, do đó “chắc chắn không thể nhanh nhạy và linh hoạt như doanh nghiệp được”.
“Chúng tôi cũng đang rất nỗ lực liên quan tới nguồn vốn này. Về việc sử dụng nguồn vốn nhà nước thì hiện nay các hoạt động tại trung tâm chiếu xạ cũng đang diễn ra rất tích cực. Hy vọng việc nâng cấp sẽ hoàn thành để chuẩn bị cho mùa vải năm sau”, ông Duy cho biết.
Lê Văn