- Năm 2014, có tới 10% chiều dài mặt đường tại các dự án trên Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh bị hằn lún vệt bánh xe (HLVBX). Năm 2015 tỉ lệ này là 3,46%.
Thông tin nói trên được đại điện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra tại Hội thảo quốc tế về công nghệ xử lý chống lún cho các công trình giao thông đường bộ diễn ra sáng nay, 14/7.
Hằn lún vệt bánh xe xuất hiện tại nhiều dự án đường bộ tại Việt Nam. |
Theo ông Bùi Ngọc Hưng, Viện Khoa học Công nghệ GTVT, hiện tượng HLVBX xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2008 và ngày càng trở nên phổ biến trên các tuyến đường chính có lưu lượng xe lớn, nhiều xe tải nặng chạy qua.
Theo ông Hưng, nguyên nhân gây ra hiện tượng HLVBX bắt nguồn từ những điểm “chưa hợp lý”, “khiếm khuyết” trong khâu lựa chọn vật liệu, trộn và thi công lớp bê tông nhựa hay thiết kế kết cấu mặt đường.
“Hầu hết HLVBX xảy ra trong lớp bề mặt bê tông nhựa chủ yếu liên quan đến chất lượng các lớp bê tông nhựa, tức là HLVBX do chảy dẻo bê tông nhựa”, ông Hưng nói.
Nguyên nhân khách quan được ông Hưng giải thích là lưu lượng xe lớn và xe quá tải cũng như nhiệt độ mặt đường tăng cao vào mùa hè do biến đổi khí hậu.
“Mặc dù đã có những giải pháp kiểm soát những xe quá tải nhưng vẫn chưa triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân không nhỏ gây HLVBX”, ông Hưng cho biết. “Bên cạnh đó, vào tháng 5-6 vừa qua, đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ mặt đường có lúc lên tới 70 độ C cũng khiến HLVBX xuất hiện nhiều hơn”.
Từ đó, ông Hưng đề xuất, trước mắt, cần phải điều chỉnh thiết kế phù hợp cho các đoạn tuyến qua khu công nghiệp, khu đông dân cư – những khu vực có lưu lượng xe nặng và mật độ xe lớn cục bộ.
Về lâu dài, theo ông Hưng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chuẩn về thiết kế và thi công cũng như kết cấu mặt đường phù hợp với điều kiện khí hậu, nhiệt độ, lưu lượng, tải trọng xe ở các vùng miền khác nhau.
Tìm kiếm giải pháp từ kinh nghiệm quốc tế
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng khẳng định, hiện tượng hư hỏng, hằn lún tại một số dự án trong thời gian qua gây ảnh hưởng tới tiềm năng khai thác và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Ông Tùng cho rằng, bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp trong nước dựa trên tình hình thực tế, cần tìm kiếm các giải pháp công nghệ phù hợp để xử lý nền đất yếu, chống lún cho các công trình giao thông từ các kết quả nghiên cứu đã áp dụng thành công tại các quốc gia khác, đặc biệt là tại Hàn Quốc.
Từ đó, ông Tùng khẳng định, hội thảo sẽ là nơi giới thiệu và làm rõ khả năng áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải của Hàn Quốc tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác, chuyển giao công nghệ giữa hai bên, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách hiện nay trong lĩnh vực xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện trình diễn kết nối cung – cầu công nghệ do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ tổ chức hàng năm.
Lê Văn