Các nhà khoa học vừa phát hiện một sinh vật biển tuyệt đẹp, có khả năng tàng hình đáng kinh ngạc.
Sinh vật kỳ lạ là một loài động vật giáp xác thủy sinh tí hon, thuộc chi Sapphirina. Chúng thường được biết đến với tên gọi "ngọc bích biển" và được mô tả là "động vật xinh đẹp nhất mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy".
Ở loài sinh vật này, các con đực có khả năng thực hiện một hiệu ứng disco ngoạn mục, chuyển màu toàn bộ cơ thể từ sắc xanh huyền ảo sang màu đỏ rực rỡ hoặc vàng lấp lánh. Và sau đó, chúng biến mất ngay tức khắc.
Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Journal of the American Chemical Society đã hé lộ bí quyết tàng hình dị thường như trên của "ngọc bích biển".
Các nhà khoa học phát hiện, các màu sắc lấp lánh, phát ra từ cơ thể của loài giáp xác tí hon nhờ sự hiện diện của các tinh thể mã hóa thông tin di truyền hình lục giác, được xếp lớp giữa một chất giống gel, gọi tế bào chất. Chúng tương tự như những thứ đã giúp tắc kè hoa biến màu cơ thể nhanh chóng
Độ dày của lớp tế bào chất và cả khoảng cách giữa các lớp tinh thể hóa ra có vai trò then chốt trong việc quyết định các bước sóng ánh sáng mà chúng phản xạ, và do đó tạo nên màu sắc mà mắt người nhìn thấy.
Sử dụng kỹ thuật quét kính hiển vi điện tử để mô tả tổ chức của các lớp, nhóm nghiên cứu khám phá ra rằng, mặc dù độ dày của các phiến tinh thể tương đối nhất quán giữa các mẫu vật khác nhau, nhưng tế bào chất dao động độ dày từ 50 - 200 nanomét.
Ngoài ra, màu sắc của sinh vật thuộc bộ chân kiến này cũng phục thuộc vào góc mà ánh sáng tiếp cận các tinh thể. Chẳng hạn như, nếu góc đó là 45 độ, ánh sáng được phản xạ thay đổi từ phạm vi mắt thường nhìn thấy được sang dạng cực tím, vô hình trước mắt người. Thông thường, mắt người lọc bỏ các bước sóng cực tím, khiến các sinh vật này có thể trông như biến mất chỉ trong chớp mắt.
Các nhà nghiên cứu kỳ vọng, khám phá mới của họ có thể tạo ra tiền đề cho sự ra đời của một làn sóng công nghệ quang học mới, chẳng hạn như các lớp phủ phản xạ hoặc trình diễn quang học. Dù không đề cập tới áo tàng hình, nhưng một số chuyên gia hy vọng các phát hiện này cũng có thể giúp hiện thực hóa mục tiêu đó.
Tuấn Anh (Theo IFLScience)