NASA phát hiện hành tinh giống Trái Đất và gần với chúng ta nhất bên ngoài hệ Mặt Trời, chỉ 21 năm ánh sáng.

Một hành tinh mới được phát hiện được đặt tên HD 219134b. Nó là hành tinh giống Trái Đất và gần với chúng ta nhất bên ngoài hệ Mặt Trời. HD 219134b chỉ cách chúng ta 21 năm ánh sáng. Để trực quan hơn hãy so sánh với Kepler-452b, hành tinh được coi là “Trái Đất thứ hai” mà NASA công bố tuần trước, Kepler-452b cách chúng ta tới tận 1.400 năm ánh sáng.

{keywords}
Mô phỏng đồ họa hành tinh HD 219134b.

Tuy nhiên, nếu Kepler-452b có thể được coi là "người anh em song sinh" của Trái Đất thì hành tinh mới được phát hiện, HD 219134b chỉ được gọi là một "người anh em họ gần". Nó là một hành tinh đá, nghĩa là kiểu hành tinh giống Trái Đất, được tạo thành với bề mặt cứng trọng lượng riêng cao, chứa nhiều sắt và kim loại.

Cũng phải nói rằng, không phải vì vậy mà HD 219134b không xứng đáng được coi là một phát hiện đột phá. Thậm chí, việc nó ở rất gần chúng ta còn mang đến nhiều sự quan tâm hơn cả Kepler-452b và lọt vào danh sách thăm dò tiềm năng.

Ngoài việc là một hành tinh đá, HD 219134b còn có nhiều lợi thế, đó là từ Trái Đất ta có thể nhìn thấy nó đi qua ngôi sao chủ. Điều này đặc biệt quan trọng vì kể cả khi sử dụng những kính viễn vọng hiện đại nhất chúng ta cũng không thể nhìn thấy các hành tinh ở khoảng cách xa. Chúng chỉ được phát hiện thông qua việc phân tích sự thay đổi quang phổ của ngôi sao chủ mà chúng đi qua.

Và nhờ các phân tích tinh tế này chúng ta hoàn toàn có thể dự đoán được kích thước, khối lượng, mật độ của nó và dễ dàng suy ra nó có phải là một người anh em với Trái Đất, hay là một hành tinh khí như sao Mộc hoặc băng giá như sao Diêm Vương.

Michael Werner, một nhà khoa học trong sứ mệnh Spitzer tại Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA tuyên bố “Hành tinh này sẽ là một trong những đối tượng được nghiên cứu nhiều nhất trong nhiều thập kỷ tới”.

Những số liệu cho đến nay NASA thu thập được sẽ sớm được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics. HD 219134b lớn hơn Trái Đất cỡ 1,6 lần và nặng hơn 4,5 lần. Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng thật không may, HD 219134b quá gần mặt trời của nó, chỉ mất 3 ngày để nó quay quanh ngôi sao chủ. Và sao chủ của nó cũng nhỏ hơn, lạnh hơn và nhẹ hơn Mặt trời của chúng ta.

{keywords}
Vị trí hành tinh HD 219134b

Hành tinh mới được phát hiện đầu tiên bởi kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA. Các nhà nghiên cứu hi vọng sẽ có nhiều kính viễn vọng khác có khả năng tham gia vào nghiên cứu. Bằng các dữ liệu được cập nhật nhiều hơn có thể phát hiện ra bầu khí quyển của HD 219134b nếu nó tồn tại.

Hành tinh gần nhất mà chúng ta phát hiện ra bên ngoài hệ Mặt trời là GJ674b. Nó cách chúng ta 14,8 năm ánh sáng, gần hơn so với HD 219134b, tuy nhiên, không phải một hành tinh đá.

“Nhờ sứ mệnh Kepler của NASA, chúng ta đã tìm ra các hành tinh giống Trái Đất ở mọi nơi trong ngân hà, nhưng chúng ta còn biết rất ít về chúng”, thành viên của nhóm nghiên cứu, Michael Gillon đến từ Đại học Liege, Bỉ cho biết. Cuối cùng, Michael Gillon tuyên bố sự kiện phát hiện HD 219134b chẳng khác nào việc tìm ra Rosetta Stone, phiến đá giúp chúng ta vén bức màn của nền văn minh Ai Cập cổ đại. Giờ đây, họ có thể làm điều tương tự với các hành tinh giống Trái Đất trong vũ trụ.

Theo Trí thức trẻ/FuturisticResearch