Các cô gái trẻ là đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao nhất, không phải vì cơ thể họ vốn như vậy mà xuất phát từ sự bất bình đẳng giới. Do vậy chống HIV/AIDS không chỉ là vấn đề chuyên môn mà liên quan trực tiếp với vấn đề xã hội.

TIN LIÊN QUAN

Tại Hội nghị Đại hội đồng LHQ tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm Tuyên bố cam kết phối hợp hành động chống HIV/AIDS, Tổ chức phụ nữ LHQ đề xuất những chiến lược mạnh mẽ hơn để trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống đại dịch thế kỷ này. Đề nghị này xuất phát từ thực tế là những phụ nữ trẻ là những người “nhạy cảm” nhất với căn bệnh này – có những khu vực 72% những người đang phải chung sống với HIV là những phụ nữ trẻ.

41% ca nhiễm bệnh mới thuộc về giới trẻ trong đó 60% là nữ giới. Ảnh minh họa.

Theo số liệu của LHQ, hàng năm 41% ca nhiễm bệnh mới thuộc về giới trẻ trong đó 60% là nữ giới. Ở một số vùng như cận sa mạc Sahara tỷ lệ này lên tới 72%.  Bản báo cáo viết “Điều đó nói lên một cách rõ ràng rằng có mối liên quan giữa sự bất bình đẳng về giới và nguy cơ nhiễm bệnh”.

Tình hình chung trên thế giới là số những ca nhiễm bệnh mới thực tế đang giảm dần “song không có nghĩa là khoảng cách bị lây nhiễm HIV ở hai giới đang thu hẹp, mà ngược lại tình hình tiêu cực nói trên vẫn duy trì. Nếu không có giải pháp hữu hiệu, phụ nữ luôn luôn là những người bị thiệt thòi”.

Bà Michelle Bachelet, Chủ tịch điều hành của Tổ chức phụ nữ LHQ cho rằng, cuộc đấu tranh chống HIV/AIDS không đơn thuần là chuyện chuyên môn của ngành y tế mà liên quan đến cả việc giải quyết các vấn đề xã hội - việc bất bình đẳng giới. Cần có tiếng nói của những người phụ nữ trê bị dương tính với HIV, để chính họ đưa ra được những giải pháp có hiệu quả trong việc thực hiện những cam kết chung chống HIV/AIDS trên toàn thế giới.   

Bảo Châu (Theo Pravda)