Hãng Canada Thothx Technology vừa được Mỹ cấp bản quyền thang máy không gian. Theo tuyên bố của công ty, chiếc thang máy "đi lên trời" này sẽ cao khoảng 20 km từ bề mặt Trái đất.

{keywords}

Thothx Technology cho biết chiếc thang máy không gian sẽ cao hơn 20 lần so với chiều cao của tất cả các công trình cao tầng nhân tạo hiện nay, và có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như sản xuất điện gió, du lịch không gian và truyền thông. Nó sẽ tiết kiệm 30% chi phí phóng vệ tinh.

Ý tưởng về một chiếc thang máy không gian lần đầu tiên được chuyên gia không gian vũ trụ tiên phong của Nga là Konstantin Tsiolkovsky đưa ra vào năm 1909 và sau đó được tác giả Arthur C Clarke hiện thực hóa trong cuốn tiểu thuyết "The Fountains of Paradise". Theo đó, một chiếc thang máy không gian sẽ đúng y như là một chiếc thang máy … đi lên trời. Đó là một chiếc thang máy có thể đưa hành khách và hàng hóa đi từ bề mặt Trái đất, vào quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao khoảng 36.000 km.

Một hành trình đi lên trời như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, vì nó chỉ tốn chi phí ước tính khoảng 220 USD/kg, tiết kiệm rất lớn so với mức chi phí hiện nay là 25.000 USD/kg. Ngoài ra, một hệ thống thang máy như thế cũng sẽ có những lợi ích khác, như là được cố định về phương diện địa lý, và có thể thực hiện nhiều chức năng của vệ tinh.

Tất nhiên, thiết kế thang máy không gian của Thothx khiêm tốn hơn nhiều. Theo bản quyền được cấp ngày 21/7, thang máy Thothx sẽ chỉ cao 20 km và có đường kính 230 mét. Mặt trên cùng của thang máy sẽ là một mặt sàn, và nó có thể phóng vệ tinh lên từ mặt sàn đó. Như đã nói, 20 km chưa thấm tháp gì so với 36.000 km như chiếc thang máy trong tiểu thuyết "The Fountains of Paradise", song nó vẫn cao hơn mọi công trình nhân tạo hiện nay, và đủ cao để tiết kiệm được 30% chi phí phóng vệ tinh.

"Hạ cánh trên một chiếc xà lan ở mực nước biển là một thành tựu tuyệt vời", Caroline Roberts, CEO của công ty, nói, ám chỉ đến những nỗ lực của SpaceX khi hạ cánh một tên lửa trên bờ biển Florida. "Nhưng hạ cánh ở độ cao 12 dặm trên mực nước biển sẽ giúp tên lửa không gian giống như thể một chiếc máy bay chở khách".

Không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực vệ tinh, công ty Canada còn xem đây là khoảnh khắc chuyển đổi quan trọng đối với ngành du lịch vũ trụ. Thang máy không gian cũng được ứng dụng trong các nghiên cứu khoa học, truyền thông, cảm biến từ xa và sản xuất điện gió.

Theo Vnreview/BGR, Gizmag