Nguồn nước ô nhiễm đang là nguyên nhân khiến số lượng của một số loài chim bị suy giảm do các chất hóa học độc hại trong nước khiến ngày càng nhiều chim trống trở thành đồng tính.

Cò trắng là một trong những loài chim đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc ô nhiễm nguồn nước. Ảnh: Daily Mail.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Florida (Mỹ) phát hiện thấy rằng, hợp chất methylmercury – một dạng của thủy ngân có thể khiến những con trống của loài cò trắng trở thành đồng tính và không có ham muốn giao phối với con mái. Điều này khiến số lượng con non của loài cò này ngày càng giảm đi.

Hợp chất methylmercury được sinh ra khi thủy ngân ở trong môi trường nước có nhiệt độ cao. Loại hợp chất này thường tồn tại trong các nguồn nước gần những khu công nghiệp. Methylmercury thâm nhập vào cơ thể loài cò thông qua chuỗi thức ăn là các sinh vật như cá, ốc, ... sống ở những vùng nước bị ô nhiễm.

Theo tờ Daily Mail, các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm với 160 con cò trắng trống mới nở ở một vùng ven biển của Sri Lanka. Những con cò này sẽ được chia thành 4 nhóm. Nhóm thứ nhất được cho ăn những hực phẩm chứa 0,3 ppm chất methylmercury. Trong khi đó, nhóm 2 được cho ăn thực phẩm có chứa 0,1 ppm chất methylmercury và nhóm 3 là 0,05 ppm methylmercury. Nhóm 4 được cho ăn bằng thực phẩm sạch.

Kết quả cho thấy những con cò trống ở 3 nhóm đầu tiên có xu hướng thích kết đôi và làm tổ cùng với con cò đồng giới khác khi chúng trưởng thành. Cụ thể, 55% cò trống ở nhóm thứ nhất kết đôi với những con cùng giới. Trong khi đó, những con cò trống ở nhóm thứ tư không hề có biểu hiện này.

“Chúng tôi biết rằng chất thủy ngân có thể làm giảm lượng hoóc môn testosterone của những con cò trống. Nhưng chúng tôi rất bất ngờ khi tỷ lệ cò trống trong nghiên cứu của chúng tôi bị đồng tính lên tới 81%”, tiến sĩ Peter Frederick, người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học cũng tin rằng chất methylmercury có thể gây ra những tác động tương tự tới những loài động vật có vú.

  • Hà Hương