-  Quy định về nhập máy móc cũ sẽ được sửa đổi theo hướng thông thoáng nhất cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về công nghệ, môi trường, năng lượng và an toàn, đại diện Bộ KHCN khẳng định.

Nới lỏng điều kiện nhập khẩu máy móc cũ

Doanh nghiệp gặp khó

Việc Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành Thông tư 20 quy định về việc nhập máy móc, dây chuyền đã qua sử dụng được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cho rằng, sẽ gây khó khăn cho hoạt động của họ.

Khẳng định rằng, 70% máy móc sử dụng tại các nhà máy của công ty là máy móc mới với công nghệ tiên tiến, song ông Choi Kwon Yoing, TGĐ Samsung Display Việt Nam vẫn cho rằng việc Bộ KH&CN ban hành Thông tư 20 về việc hạn chế nhập máy móc cũ sẽ khiến doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Lê Văn.

Ông Choi cho hay, Samsung Display Việt Nam dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam thêm 35% nữa. Do đó, với quy định mà Bộ KHCN dự kiến ban hành, Samsung Display sẽ không thể nhập máy móc cũ từ nước khác về Việt Nam được nữa.

Để nhà máy đi vào hoạt động thì cách nhanh nhất là chuyển máy móc toàn bộ từ một pháp nhân khác về Việt Nam, theo ông Choi. Do đó, TGĐ Samsung Display cho rằng, “nếu cứ mãi đầu tư máy móc mới thì việc đầu tư của công ty vào Việt Nam sẽ gặp hạn chế rất lớn”.

Đồng quan điểm, ông Shimon Tokuyama, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) cho rằng, mặc dù hơn một nửa các máy móc của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là máy móc cũ song được thay đổi linh kiện, bảo dưỡng, thường xuyên nên dù 15 hay 20 năm vẫn không gây ảnh hưởng tới môi trường.

Chúng tôi mong rằng các máy móc mà doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản có ý định nhập khẩu sẽ không bị hạn chế về năm sử dụng, mà thay vào đó là được xem xét về mặt chất lượng”, ông Shimon cho biết.

JBAV là tổ chức với hơn 1.500 doanh nghiệp và tổ chức có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Hơn một nửa trong số các công ty của Nhật tại Việt Nam là các công ty sản xuất, chế tạo nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để phục vụ sản xuất là rất lớn.

Thông tư 20 được Bộ KHCN ban hành ngày 15/7/2014 và có hiệu lực từ 1/9/2014. Theo đó, dây chuyền, thiết bị cũ nhập khẩu về Việt Nam phải đảm bảo 2 điều kiện: Thời gian sử dụng không quá 5 năm kể từ ngày sản xuất và chất lượng còn lại trên 80%.

Tuy nhiên, tới cuối tháng 8/2014, sau khi có nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội đặc biệt là doanh nghiệp, cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng thi hành thông tư này. 

Hiện tại, Bộ KH&CN vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 20 và dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới.

{keywords}
Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KHCN.

Nới lỏng quy định

Trao đổi với VietNamNet, ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ KHCN cho biết, trong dự thảo mới nhất của Thông tư 20 sửa đổi, sẽ không sử dụng tiêu chí thời gian sử dụng của máy móc thiết bị nữa mà sử dụng khái niệm "tuổi thiết bị". Trong quy định mới này, tuổi thiết bị không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất sẽ được phép nhập khẩu.

Điều kiện thứ 2 cũng sẽ không sử dụng chất lượng còn lại của thiết bị nữa mà chỉ yêu cầu máy móc, thiết bị muốn nhập khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về môi trường, an toàn và tiết kiệm năng lượng.

Điều này cũng giải quyết những lo lắng của doanh nghiệp trong việc khó có thể giám định chất lượng của thiết bị”, ông Nam khẳng định.

Ngoài ra, với lo lắng ách tắc trong quá trình làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu khi không trình đủ giấy tờ, dự thảo mới của thông tư cũng cho phép doanh nghiệp đưa hàng hóa về bảo quản trước sau đó nộp giấy tờ sau trong thời gian quy định tại Luật Hải quan. 

Như vậy, theo nội dung thông tư mới thì điều kiện đặt ra với máy móc thiết bị đã qua sử dụng đã rất thông thoáng. Quy định mới này cũng nhận được sự đồng thuận rất cao của các bộ ngành”, ông Nam nói.

Đối với những vướng mắc của các doanh nghiệp như Samsung hay các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Nam cho biết, trong dự thảo mới của thông tư có quy định rõ, với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì khi làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc xin đăng ký đầu tư mà có danh mục các thiết bị máy móc cũ thì sẽ không cần chịu sự điều chỉnh của thông tư 20 nữa. 

"Tuy nhiên, các thiết bị, dây chuyền này khi nhập vào Việt Nam sẽ không được phép bán và chuyển nhượng", ông Nam cho hay.

Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết, sau khi sửa đổi, phạm vi điều chỉnh của thông tư 20 mới sẽ rất hẹp. Bởi lẽ ngoại trừ danh mục các thiết bị cấm nhập khẩu thì các thiết bị máy móc thuộc nhóm 2 (danh mục thiết bị máy móc có nguy cơ mất an toàn), các thiết bị máy móc đã có quy định tại các thông tư của các ngành (như thiết bị của ngành giao thông vận tải, thiết bị ngành in…) đều không chịu điều chỉnh của thông tư 20 sửa đổi.

Ông Nam cũng cho biết, trong quá trình sửa đổi thông tư 20, Bộ KHCN đã tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp để từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp.

Thông tư 20 được sửa đổi trên tinh thần tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp nhưn vẫn phải đảm bảo hàng hóa nhập vào Việt Nam phải đảm bảo yêu cầu không lạc hậu về công nghệ, không gây ô nhiễm môi trường, không gây mất an toàn và không tiêu hao nhiều nhiên liệu”, ông Nam khẳng định.

P.V