- Tại buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ sáng 11/9, 70 nhà khoa học tiêu biểu đã trình bày với Thủ tướng nhiều tâm tư và mong muốn của các nhà khoa học trẻ trong cả nước.

Tin tưởng hơn vào thế hệ trẻ

Tại buổi gặp mặt, mong muốn được nhiều nhà khoa học trẻ đề cập tới nhất chính là sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước cũng như những người đi trước vào những người làm khoa học trẻ tuổi.

{keywords}
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ tiêu biểu sáng 11/9. Ảnh: KHPT.

Là nhà khoa học nữ đang nghiên cứu ngành Vật lý tại Trung tâm Vệ tinh Quốc gia của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ (KHCN) Quốc gia, TS Phạm Thị Tuyết Nhung khẳng định, mong muốn lớn nhất của mình là có được sự tin tưởng vào thế hệ trẻ từ các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học đi trước.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Quốc Định (Học viện Kỹ thuật Quân sự) khẳng định: “Để xây dựng được các nhà khoa học đầu ngành thì cần thiết phải tin tưởng vào thế hệ trẻ, giao nhiệm vụ thử thách và đầu tư để phát triển đội ngũ cán bộ trẻ có đủ trí, đức, tài”.

TS Phạm Văn Phúc (ĐH Quốc gia TP.HCM) thì nói rằng, trong hơn 10 năm làm nghiên cứu, anh có cảm tưởng các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách chưa tin tưởng vào các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trẻ nói riêng.

Giống như hai vợ chồng không tin tưởng nhau thì không thể làm được điều gì hết”, vị TS nghiên cứu về tế bào gốc so sánh. “Đây là nguyên nhân chính gây nên sự chán nản của nhiều nhà khoa học khi sử dụng kinh phí của Nhà nước, và làm chậm đáng kể sự phát triển KHCN của quốc gia”.

Kính đề nghị Thủ tướng quan tâm hơn nữa tới các nhà khoa học trẻ để tạo điều kiện cho lực lượng nghiên cứu trẻ phát huy cao nhất khả năng của mình”, TS Nguyễn Quốc Định đề xuất.

Chính sách đặc thù cho KHCN

{keywords}
TS Phạm Phương Chi, Viện Văn học trăn trở về những khó khăn về vật chất và tinh thần của những người làm khoa học xã hội và nhân văn. Ảnh: Lê Văn.

Trong phát biểu của mình, nhiều nhà khoa học trẻ cũng khẳng định mặc dù chính sách của Đảng, Nhà nước đối với KHCN trong thời gian qua đã có sự đổi mới đáng kể song vẫn còn nhiều vướng mắc, rào cản, đặc biệt là đối với nhà khoa học trẻ.

TS Phạm Văn Phúc cho rằng, dù hiện nay đã có nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển KHCN trong nước nhưng “vẫn còn nhiều quy định chưa thuật lợi, phiền hà cho các nhà khoa học khi tiến hành nghiên cứu, đặc biệt là các quy định về tài chính”.

TS Phạm Phương Chi (Viện Văn học) thì chia sẻ những thiệt thòi và khó khăn về vật chất và tinh thần của những người làm khoa học nói chung và những người làm khoa học xã hội nhân văn nói riêng.

Đôi khi tôi thấy lạc lõng và đôi chút hoang mang khi người thân, bạn bè và cả đồng nghiệp trong và ngoài nước nói tôi là người viển vông khi tôi chia sẻ về nỗi nặng tình nặng nghĩa đối với công việc trong điều kiện mức lương của một tiến sĩ như tôi những năm qua là hơn 3 triệu đồng”, TS Chi chia sẻ.

Chia sẻ khó khăn của những người làm khoa học, nhất là những người trẻ, TS Phạm Phước Cường (Đại học Đà Nẵng) cho biết, nhiều người nói với anh rằng, người trẻ hiện nay ngại theo con đường nghiên cứu vì họ thấy chế độ đãi ngộ thấp, không thấy ngay thành quả. “Đó cũng là điều mà tôi trăn trở”, vị TS ngành kỹ thuật môi trường mới chỉ 30 tuổi chia sẻ.

Từ đây, hầu hết các nhà khoa học trẻ đều cho rằng, cần có một chính sách riêng, thông thoáng và cởi mở hơn dành cho KHCN và những người làm KHCN.

{keywords}
TS Phạm Văn Phúc, Đại học Quốc gia TP. HCM kiến nghị một chính sách đặc thù cho KHCN. Ảnh: Lê Văn

TS Phạm Văn Phúc cho rằng, cần phải xác định KHCN là nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia và sự đầu tư mạnh hơn nữa vào KHCN là điều không thể không làm. Đồng thời cũng không thể so sánh giữa việc đầu tư vào KHCN với việc đầu tư vào bất kì những hoạt động kinh doanh, dịch vụ nào khác.

TS Phúc đề xuất rằng, KHCN cần có một chính sách riêng, chính sách đặc cách mà ở đó KHCN không được nhìn nhận như một ngành kinh tế. “Chỉ khi sự đầu tư vào KHCN không phải được đem ra so đo với các ngành khác, KHCN của nước ta mới có cơ hội phát triển vượt bậc”.

KHCN cần lấy hiệu quả làm đầu

Thừa nhận mình “ngại” tiếp cận với các đề tài, dự án cũng như quỹ KHCN của Nhà nước vì sợ “thủ tục hành chính rườm rà”, TS Nguyễn Bá Hải (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM) cho biết, để KHCN nước nhà phát triển, cần có một chiến lược tổng thể trong đó lấy hiệu quả làm đầu, kết nối sức mạnh toàn dân, xã hội hoá, doanh nghiệp hoá vấn đề KHCN.

{keywords}
TS Nguyễn Bá Hải cho rằng, ngành KHCN cần xây dựng chiến lược lấy hiệu quả làm đầu. Ảnh: Lê Văn.

“Khi triển khai chiến lược này, cơ quan lãnh đạo cao nhất và Bộ KHCN cần coi đầu tư cho KHCN chính là một trong những cơ hội làm giàu và thoát bẫy thu nhập thấp quan trọng và khả thi nhất của đất nước trong tình hình hiện nay”, TS Hải chia sẻ.

Để thực hiện chiến lược này, theo TS Hải, vấn đề cốt lõi nằm ở việc lựa chọn đúng người. Theo TS Hải, những người làm khoa học có thể chia làm 3 nhóm: Nhóm thứ nhất là những người đam mê và dấn thân, nhóm thứ 2 là những người cần động viên và hỗ trợ rất ít còn nhóm thứ ba là những người cần hỗ trợ, thuê mới làm.

Để khoa học công nghệ hiệu quả cao và nhanh nhất thì Nhà nước cần quan tâm, đầu tư cho nhóm 1 vì ở đó có con người tâm huyết và dấn thân cho công cuộc nghiên cứu ra những công nghệ, sản phẩm khoa học có hiệu quả”, TS Hải khẳng định.

Chiều ngày 11/9, 70 nhà khoa học trẻ đã có buổi tham quan trao đổi tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại đây, các nhà khoa học trẻ đã được nghe giới thiệu về hoạt động Khu CNC Hòa Lạc cũng như mô hình ươm tạo và hình thành doanh nghiệp KHCN tại đây.

Các nhà KH trẻ cũng có buổi tham quan Trung tâm Viettel tại Khu CNC Hòa Lạc và trao đổi với Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Nguyễn Mạnh Hùng về cơ hội hợp tác với tập đoàn này.

Tiếp đó, các nhà khoa học trẻ cũng đi tham quan Trường ĐH FPT tại Khu CNC Hòa Lạc và Công ty FPT Software tại đây.

Lê Văn (ghi)