- Chiều ngày 17/9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp đã diễn ra cuộc đối thoại chính sách với chủ đề “Đàm phán về khí hậu tại COP21 và Tiếng nói từ Việt Nam”. Buổi đối thoại diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu cuối năm 2015 không còn xa.
Chủ tịch đoàn gồm (từ trái sang): Ông Koos Neefjes, Bà Vũ Minh Hải, Ô. Phạm Văn Tấn và Ô. Siddharth Pathak. Ảnh: Trần Minh. |
Ba chủ đề được trình bày và thảo luận. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của Việt nam về Biến đổi khí hậu báo cáo đề dẫn vấn đề “Việt Nam hướng tới COP21”.
Ông Siddharth Pathak, Điều phối viên Quốc tế về Chính sách, Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế (CAN) giới thiệu vấn đề “Đàm phán khí hậu tại COP21: Cơ hội và thách thức”.
Và Bà Vũ Minh Hải, Chủ tịch Tổ chức phi chính phủ về Biến đổi khí hậu thông báo vấn đề “Đảm bảo Hiệu quả và Công bằng cho các giải pháp về khí hậu tại COP21 ở Paris”.
Thành viên tham gia cuộc trao đổi về vấn đề “Đàm phán về khí hậu và Tiếng nói từ Việt Nam” gồm nhiều đại biểu và chuyên gia đến từ các cơ quan và tổ chức liên quan đến lĩnh vực môi trường, khí tượng thủy văn và một số ngành khoa học kỹ thuật… cùng đông đảo phóng viên từ các cơ quan báo chí trung ương và Hà nội.
Những vấn đề thu hút sự chú ý nhiều nhất của các thành viên tham gia cuộc gặp gỡ trao đổi này liên quan đến Việt Nam là tình hình và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với đất nước và dân chúng; cũng như các hoạt động ở Việt Nam hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh Paris COP-21. Diễn giả là ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) kiêm Phó Trưởng ban thường trực, Ban công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu.
Ông Tấn cho biết, với dân số 90 triệu người, GDP đứng thứ 52 (vào năm 2014) và đường bờ biển dài chừng 3280 km. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu và là quốc gia có tổng lượng phát thải khí nhà kính (CO2) đứng thứ 31 trên thế giới trong lúc GDP đứng thứ 55. Cho đến nay, việc gia tăng lượng phát thải cùng với các diễn biến bất thường của khí hậu đã gây ra những thách thức lớn cho người nghèo, nhất là đại bộ phận dân cư gồm 17 triệu dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong 50 năm qua, nhiệt độ ở Việt Nam tăng 0,5 độ C, nước biển dâng 20 cm, thiệt hại khoảng 1,5% GDP và cướp đi khoảng 500 người. Đến năm 2100, nhiệt độ tăng 2-4 độ C, nước biển dâng 100 cm, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập và làm ảnh hưởng đến 20 triệu dân.
Trả lời câu hỏi “để giải quyết thách thức trên, VN đã chuẩn bị gì cho cuộc đàm phán khí hậu COP 21 sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối năm”, ông Phạm Văn Tấn cho biết thông qua thoả thuận 2015, Việt Nam sẽ đưa ra các đóng góp dự kiến do quốc gia tự xác định để các nước cùng tìm giải pháp khống chế mức tăng nhiệt độ ở mức 2°C giai đoạn 2020, đặc biệt là các nước phát triển phải cam kết giảm phát thải nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trung bình của toàn cầu.
Với tư cách của một cơ quan phi chính phủ về biến đổi khí hậu (CCWG), bà Vũ Minh Hải, trong bản thuyết trình của mình, đặt hy vọng rằng, cuộc Hội nghị Thượng đỉnh COP 21 sẽ đạt được cam kết chung về cắt giảm hoặc thay đổi việc phát thải khí nhà kính làm cơ sở để tái cơ cấu theo chiều sâu chính sách phát triển của các nước, đặc biệt là bảo vệ được quyền lợi của các đối tượng dễ bị tổn thương tại Việt Nam bởi biến đổi khí hậu.
Minh Trần