Tuần lễ trao giải Nobel 2015 đã chính thức mở màn hôm nay (5/10), với giải thưởng Nobel Y học được trao cho 3 nhà khoa học có công phát hiện "các liệu pháp cách mạng hóa việc chữa trị một số căn bệnh nguy hại nhất do ký sinh trùng gây ra" trên thế giới.

{keywords}
Chân dung 3 nhà khoa học thắng giải Nobel Y học 2015 (từ trái sang phải): William C. Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu. Ảnh: NYT

Hai nhà nghiên cứu William C. Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật) đã trở thành chủ nhân của giải Nobel Y học năm nay vì phát triển thành công một loại thuốc mới, có tên Avermectin, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh giun chỉ (hay còn gọi là "bệnh mù sông" - một trong những nguyên nhân chính gây mù lòa ở các nước nghèo và là nguyên nhân gây mù lòa do nhiễm trùng đứng hàng thứ hai, sau bệnh mắt hột) và bệnh giun chỉ bạch huyết (hay còn gọi là "bệnh phù chân voi").

Giải Nobel Y học 2015 cũng được đồng trao cho nhà khoa học Youyou Tu (Trung Quốc), người đã khám phá ra thuốc Artemisinin, biệt dược làm giảm đáng kể số ca tử vong vì bệnh sốt rét trên thế giới.

"Hai khám phá trên đã mang đến cho nhân loại các phương tiện mạnh mẽ mới để chống lại những căn bệnh gây suy yếu, tác động đến hàng trăm triệu người trên thế giới mỗi năm. Các ảnh hưởng xét về sự cải thiện sức khỏe con người và làm giảm sự đau đớn là không thể đo đếm được", trích tuyên bố của Ủy ban Nobel.

{keywords}

Giun ký sinh, vốn gây ra bệnh mù sông và bệnh phù chân voi, đang tấn công 1/3 dân số thế giới, đặc biệt ở các vùng hạ Saharan của châu Phi, Nam Á và Mỹ Latinh. Trong khi đó, bệnh sốt rét do ký sinh trùng đơn bào xâm nhập vào các tế bào hồng cầu, qua trung gian truyền bệnh là muỗi, đã cướp đi sinh mạng của hơn 450.000 người, chủ yếu là trẻ em mỗi năm.

"Sau hàng thập niên tiến triển giới hạn trong việc phát triển các liệu pháp chữa trị ổn định cho những căn bệnh do ký sinh trùng gây ra, các khám phá của những 'Nobel gia' năm nay đã thay đổi đáng kể tình trạng này", Ủy ban Nobel nhấn mạnh.

Với kết quả này, nhà khoa học Trung Quốc Youyou Tu là người phụ nữ thứ 12 từng thắng giải Nobel Y học từ trước tới nay.

Năm ngoái, nhà khoa học Anh gốc Mỹ John O’Keefe và cặp vợ chồng nhà khoa học Na Uy May-Britt và Edvard Moser đã cùng lên bục nhận giải Nobel Y học 2014 vì có công khám phá ra các tế bào hợp thành hệ thống định vị (GPS) bên trong bộ não.

Theo kế hoạch, ngày 6/10 cũng tại Stockholm, Ủy ban Nobel sẽ công bố tên nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý và ngày 7/10 - Nobel Hóa học. Ngày công bố giải Nobel Văn học chỉ được thông báo vài ngày trước lễ công bố chính thức, nhưng thường được chọn vào ngày thứ Năm trong tuần, có thể vào ngày 8/10. 

Giải Nobel Hòa bình sẽ được công bố vào ngày 9/10 tại thủ đô Oslo của Na Uy. Khép lại mùa giải Nobel năm nay sẽ là việc công bố chủ nhân giải Nobel Kinh tế vào ngày 12/10.

Tuấn Anh (Tổng hợp)