Hội nghị về chống biến đổi khí hậu tổ chức tại thành phố Bonn (Đức) khai mạc ngày Thứ Hai 19/10/2015 là cuộc gặp gỡ mang tính quyết định trước Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu COP-21 diễn ra ở Paris đầu tháng 12 năm 2015 này.


{keywords}

Hội nghị về chống biến đổi khí hậu tại Bonn (Đức)diễn ra nóng bỏng. Ảnh: Nguồn DW.

Cuộc đàm phán dự định kéo dài 5 ngày ở Bonn là cơ hội cuối cùng để các đại biểu nêu lên quan điểm rõ ràng của mình trước hội nghị Paris nhằm tiến tới một Hiệp ước mới về Biến đổi khí hậu mới hoàn chỉnh hơn và mang tính ràng buộc thay thế cho Nghị định thư Kyoto đã lỗi thời.

Nhưng ngay trong ngày đầu tiên 19/2 của Hội nghị Bonn, cuộc tranh cãi nảy lửa đã bùng phát. Qua đó, mọi người đã thấy rõ các vấn đề về tiền bạc đang trở thành rào cản lớn nhất đối với một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới.

Cú phát hỏa đầu tiên bốc lên từ một nhà đàm phán đại diện cho khối các nước đang phát triển khi tố các nước phát triển đang cố tình phớt lờ lợi ích của họ. Đặc phái viên về khí hậu của nước Nam Phi, bà Nozipho Mxakato-Diseko, đứng đầu nhóm G77, nói thẳng ra rằng: “Khi các vị (chỉ các nước phát triển hay nước giàu) xem xét các vấn đề của người khác, các vị đã tước đi quyền lợi của họ (chỉ các nước đang phát triển), và tước đi sức mạnh của những người đang phải hứng chịu nhiều nhất”. Và chính bà nhấn mạnh: đây chính là nguyên nhân dẫn đến “xung đột” ở Hội nghị.

Nhóm G77 gồm 130 nước đang phát triển - trong đó có cả Trung Quốc và Ấn Độ - còn cho rằng phiên bản mới nhất của bản dự thảo thỏa thuận đề cập quá ít đến hỗ trợ tài chính. Đại diện nhóm G77 không quên nhắc đến vấn đề các nước giàu đã cam kết sẽ đưa ra khoản viện trợ trị giá 100 tỷ USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2020, để thúc đẩy nỗ lực giảm khí thải carbon và giúp các nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

Các đại biểu của các quốc gia đang phát triển cho rằng các đảm bảo rõ ràng về tài chính phải là một vấn đề cốt lõi. Nhấn mạnh rằng, tiền bạc luôn luôn là cội rễ của những khó khăn trong việc giải quyết vấn đề khí hậu, các nước đang phát triển chỉ ra rằng trong khi họ đã làm ít nhất để tạo ra ô nhiễm carbon trong bầu khí quyển, họ lại là những người chịu đựng các tác động lớn hơn của một thế giới nóng lên.

Ngoài ra, các nước G77 đã nêu ý kiến bác bỏ một bản dự thảo thỏa thuận được đưa ra trước khi diễn ra Hội nghị Bonn này. Bản Dự thảo này đã bị cắt từ 80 xuống còn 20 trang, bị nhiều bên cho là không công bằng.

Trước tình hình này, các đồng chủ tịch của cuộc họp ở Bonn đã cho sửa đổi dự thảo của họ và thêm 14 trang nữa để phản ánh một số quan điểm của các quốc gia nghèo.

Cần bổ sung thêm rằng, một điểm quan trọng nhất trong Hiệp ước Paris sắp tới sẽ là việc các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhằm giảm hiện tượng ấm lên toàn cầu xuống còn 2 độ C. Ở đây, cần nhắc lại rằng: giới khoa học cho rằng cam kết trước đây mà hơn 150 quốc gia đã đưa ra đã đặt Trái Đất vào nguy cơ có thể tăng lên 3 độ C. Vì ở mức tăng đó, mực nước biển sẽ gia tăng, xuất hiện nhiều cơn siêu bão và các loại bệnh dịch hơn.

Hội nghị 5 ngày ở Bonn được xem là cơ hội cuối cùng để trao đổi về các vấn đề liên quan đến một văn bản thỏa thuận đạt cần được sự nhất trí cao của các nước và sẽ được đưa vào kết luận của Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do LHQ tổ chức, tức Hội nghị COP-21, ở Paris từ ngày 30-11 đến 11-12 sắp tới.

Trước diễn biến của Hội nghị Bonn tuần này, phát biểu trước báo giới tại thủ phủ Bratislava của Slovakia, Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon nói rằng các vòng đàm phán đang giậm chân tại chỗ do “các quan điểm hạn hẹp của từng quốc gia”. “Chúng ta không có bất kỳ kế hoạch B nào, bởi chúng ta không có một hành tinh B” - ông Ban cảnh báo.

Và ở Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande lại khẳng định rằng “sẽ có một thỏa thuận” trong Diễn đàn về biến đổi khí hậu ở Paris sắp tới. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng kết quả có thể không như ý muốn”.

Trần Minh