- Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong vừa được Bộ Tài nguyên Môi trường công bố được cho là còn nhiều bất cập và “đơn giản hóa vấn đề”.

Ngày 28/10, Bộ TNMT đã tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về Báo cáo Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong (gọi tắt là nghiên cứu MDS) tại Hà Nội. Hội thảo tương tự được tổ chức tại TP. HCM 2 ngày sau đó.

{keywords}

Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2012 do Bộ TNMT chủ trì thực hiện với phạm vi nghiên cứu bao gồm 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 14 tỉnh vùng Biển Hồ - Campuchia. Nghiên cứu vừa hoàn thành tháng 10/2015 và dự kiến lấy ý kiến rộng rãi vào cuối năm nay.

Theo các kết luận chính của nghiên cứu MDS thì tác động của việc xây dựng 11 công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong lên khu vực châu thổ sông Mekong là không đáng kể. Chẳng hạn, theo nghiên cứu này, tác động đến mực nước của ĐBSCL là “rất nhỏ”, chỉ 2cm. Trong điều kiện vỡ đập tại thủy điện Sambor thì đỉnh lũ tại ĐBSCL do vỡ đập Sambor cũng chỉ là 0,4 m; đồng thời tác động do thay đổi độ mặn tại ĐBSCL là tương đối nhỏ, chỉ trên dưới 1 g/l.

Hay như với lĩnh vực thủy sản, dự thảo báo cáo kết luận tổng lượng sụt giảm thực tế của sản lượng cá trên đồng bằng sông Mê Kông, vùng đồng bằng ngập nước của Campuchia và Tonle Sap “tương đối nhỏ”, chỉ lần lượt là 1.206 tấn, 2.572 tấn và 56 tấn, tổng cộng 3.834 tấn. Mức tổn thất các loài thủy sinh khác “cũng không lớn”, lần lượt là 227 tấn, 462 tấn và 10,5 tấn, tổng cộng 700 tấn. Do đó, không có thay đổi lớn về sản lượng thủy sản đánh bắt…

Trước đó, các nước thành viên Ủy ban sông Mekong đề nghị Lào và Campuchia tạm hoãn việc đầu tư dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong vòng 10 năm để có những đánh giá thấu đáo hơn. Do vậy, kết quả của nghiên cứu MDS được giới khoa học và môi trường rất chờ đợi, coi là câu trả lời khoa học chính thức đối với vấn đề tác động của công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Tuy nhiên, các kết luận của nghiên cứu MDS mới được công bố đã khiến nhiều nhà khoa học thất vọng.

Nhiều bất cập

Trao đổi với VietNamNet, PGS. TS Lê Anh Tuấn, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, không thể nói tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong là không đáng kể như trong kết luận của báo cáo MDS.

{keywords}
TS Đào Trọng Tứ. 

Kết luận của báo cáo này cần phải đáng giá thận trọng hơn, không thể nói là tác động không đáng kể”, ông Tuấn nói. PGS Tuấn cũng cho biết, ông đang thực hiện một phản biện toàn diện về các kết luận của báo cáo này.

Trước đó, trên tờ Tuổi trẻ số ra ngày 31/10, GS. TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp đồng bằng sông Cửu Long (1983 - 1990) cho rằng, các kết luận của Báo cáo MDS là “một kết luận nguy hiểm”.

Theo GS Trân, nguy hiểm là vì kết luận này liên quan đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đời sống của gần 18 triệu người dân ở đồng bằng.

Nguy hiểm còn bởi dự án là một dự án của Chính phủ Việt Nam được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thay mặt Chính phủ là chủ đầu tư quản lý và VNMC (Ủy ban sông Mekong Việt Nam) điều hành. Kết luận của dự án báo cáo ra quốc tế hàm nghĩa đã được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam và gián tiếp có thể được hiểu là Việt Nam đồng tình với việc xây dựng cả 11 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong”, GS Trân viết.

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet, TS Đào Trọng Tứ cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban Sông Mekong Việt Nam cũng bày tỏ những băn khoăn về các kết luận được đưa ra trong dự thảo Báo cáo MDS.

Theo ông Tứ, đây là một nghiên cứu có quy mô lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL nói riêng và sự sống còn của cả đất nước nói chung, lại do Việt Nam trực tiếp tiến hành. Tuy nhiên, "cách trình bày các kết luận đưa ra chưa khoa học và thật rõ ràng đối với người đọc, dễ gây hiểu nhầm".

Đây là một nghiên cứu rất quan trọng, do vậy, kết quả cuối cùng phải thật rành mạch, rõ ràng. Bởi lẽ, đây không chỉ là câu chuyện của các nhà khoa học mà còn ảnh hưởng tới sống còn của cả một vùng đồng bằng quan trọng và hàng chục triệu người dân trong tương lai”, TS Tứ nói. 

Tuy nhiên, TS Tứ cho rằng, các nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong trước đây, cũng như nhiều kết luận của nghiên cứu này đã chỉ ra rằng việc phát triển các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong chắc chắn có tác động rất lớn, từ dòng chảy, lượng phù sa, môi trường, cho tới sói lở, từ đó, nông nghiệp, giao thông thủy cho tới đời sống của người dân chắc chắn sẽ bị tác động.

Phân tích sâu hơn, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về ĐBSCL chỉ rõ, nghiên cứu MDS bị hẹp, thiếu xem xét tác động toàn cảnh và đơn giản hóa vấn đề. Theo ông Thiện, bản thân khung nghiên cứu chung đã không chặt chẽ, có nhiều mối liên hệ bị bỏ sót. Bên cạnh đó, nghiên cứu nghiên cứu được thực hiện bởi các tiểu nhóm riêng biệt, không có kết nối với nhau, nên không thấy được bức tranh chung.

Ngoài ra, ông Thiện cho rằng, nghiên cứu được tiến hành bởi các chuyên gia nước ngoài, thiếu am hiểu sâu sắc về ĐBSCL với phương pháp chủ yếu là chạy mô hình máy tính dựa trên kịch bản giả định về sự vận hành các đập thủy điện, do đó, kết quả nghiên cứu chắc chắn là sẽ thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Thiếu thuyết phục

{keywords}
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện.

Ngoài những thiết sót, bất cập của nghiên cứu, PGS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, quá trình tham vấn kết quả nghiên cứu cũng rất thiếu thuyết phục.

Nghiên cứu này thực hiện hơn 2 năm, nhưng thời gian VNMC chỉ thông báo cho các ban ngành chưa tới 2 tuần cho một vấn đề rất kỹ thuật và chuyên môn thì đó là một cách làm thiếu thuyết phục", theo ông Tuấn

Ông Tuấn cho biết, rất nhiều người tham dự buổi thông báo tham vấn này than phiền là họ không được kịp đọc trước báo cáo, chỉ vào nghe trình bày nhưng chằng hiểu gì cả?”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với ý kiến này, TS Đào Trọng Tứ cũng cho biết, với ý nghĩa quan trọng của nghiên cứu này thì việc tiến hành tham vấn như vừa qua là “không nghiêm”. Theo TS Tứ, nghiên cứu này có quy mô lớn, được tiến hành trong một thời gian dài nhưng quá trình tham vấn, lấy ý kiến các nhà khoa học có chuyên môn về vấn đề này lại được tiến hành khá vội vàng.

Các kết luận của Báo cáo MDS là đặc biệt quan trọng khi nó được xem là cơ sở khoa học để Việt Nam có phản biện chính thức đối với việc xây dựng các công trình thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong. Do vậy, một nghiên cứu được tiến hành kỹ lưỡng, với các kết luận rõ ràng cùng quá trình tham vấn nghiêm cẩn trước khi công bố ra quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, ở cả 2 điểm này, bản báo cáo MDS vẫn chưa thuyết phục được đông đảo giới khoa học có chuyên môn và tâm huyết với vấn đề này.

Lê Văn