Theo Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA), một vật thể bay không xác định (UFO) sẽ va chạm với Trái đất trong ngày hôm nay - thứ Sáu ngày 13/11.

Hình ảnh "độc" về Trái đất đang hít thở


{keywords}

Các chuyên gia thiên văn học cho biết, mảnh vỡ không gian bí ẩn có biệt hiệu WT1190F dự kiến sẽ tái xâm nhập vào bầu khí quyển Trái đất vào lúc khoảng 6h20 giờ GMT (tức là khoảng 13h20 giờ Việt Nam) ngày hôm nay, trên bầu trời phía trên Ấn Độ Dương.

Mặc dù UFO nói trên được cho là sẽ bốc cháy trong bầu khí quyển ở cách xa bờ biển phía nam Sri Lanka gần 100km, nhưng vẫn có khả năng các mảnh vỡ nhỏ hơn có thể đâm xuống bề mặt hành tinh chúng ta.

Trong khi viễn cảnh sắp xảy ra trông có vẻ như điềm gở, nhưng các nhà khoa học lại tỏ ra phấn khích. Do việc phỏng đoán chính xác vị trí các mảnh vỡ sẽ đâm xuống Trái đất tương đối khó, nên cơ hội nghiên cứu đường đi của WT1190F có thể giúp họ cải thiện các phương pháp hiện tại.

WT1190F được chương trình Khảo sát bầu trời Catalina phát hiện lần đầu tiên năm 2013 khi đang nhún nhảy trong phạm vi khoảng cách 250.000km so với Trái đất, rồi lao mình trở lại không gian tới vị trị cách xa hành tinh chúng ta khoảng 500.000km, gấp đôi khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng. Song, quỹ đạo hình elip của nó không ổn định và độ cao của lần tiếp xúc Trái đất gần nhất của nó đang giảm xuống.

{keywords}
Các nhà thiên văn học đang theo dõi sát đường đi của mảnh vỡ không gian WT1190F (vòng tròn trong ảnh). Ảnh: ESA

Trong ngày hôm nay, WT1190F dự kiến sẽ di chuyển sâu vào bầu khí quyển của hành tinh chúng ta với vận tốc vài km mỗi giây. Khi điều này xảy ra, lực cản khí quyển sẽ khiến nó giảm tốc và trượt khỏi quỹ đạo, trong khi đó, hiệu ứng ma sát của không khí chảy qua sẽ tấn công liên tục, đốt nóng và làm bốc hơi vật thể.

Theo các nhà thiên văn, WT1190F ước tính có đường kính khoảng 1 - 2 mét và rỗng ruột. May mắn là, điều này đồng nghĩa, vật thể quá nhỏ và dễ vỡ để có thể gây va chạm mạnh với bề mặt Trái đất.

Khi bị vỡ vụn, các mảnh nhỏ hơn của nó sẽ nhanh chóng bốc cháy, tạo ra một màn trình diễn quả cầu lửa ngoạn mục, có thể rõ thấy khắp bầu trời phía nam Sri Lanka. Dự kiến sẽ chỉ có những mảnh vỡ rất nhỏ rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương và không quá đáng lo ngại.

WTF1190F không phải là vật thể nhân tạo đầu tiên rơi xuống từ quỹ đạo và cũng không phải là vật thể lớn nhất thâm nhập vào bầu khí quyển Trái đất. Khi trạm không gian Mir nặng 135 tấn của Nga kết thúc sứ mệnh tồn tại vào năm 2001, phần lớn trạm này đã bốc hơi trong quá trình tái xâm nhập bầu khí quyển Trái đất, với một số mảnh nhỏ rơi vô hại xuống vùng biển nam Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mọi việc không phải luôn luôn dễ phỏng đoán như vậy. Khi trạm không gian Skylab của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) tái trở về vào tháng 7/1979, NASA từng dự đoán nguy cơ nó đâm vào một người nào đó trên Trái đất là 1/152. Rốt cuộc, thay vì tái xâm nhập bầu khí quyển Trái đất ở phía trên vùng biển đông nam Nam Phi trong lúc đông tiến, Skylab đã bốc cháy muộn hơn dự kiến và các mảnh rơi xuống đông nam Trái đất ở Perth, phía tây Australia.

Dù không ai bị thương tích gì, nhưng sự cố đã làm nổi rõ những điều không chắc chắn trong phỏng đoán về sự tái thâm nhập của các vật thể ngoài không gian vào bầu khí quyển hành tinh chúng ta.

Trong khi đó, khả năng dự đoán về quỹ đạo của các vật thể này sẽ ngày càng trở nên quan trọng trong việc giúp con người tránh các va chạm tốc độ cao trong tương lai giữa các mảnh vỡ không gian và vệ tinh di chuyển theo quỹ đạo hoặc tàu vũ trụ có người lái, đồng thời đề phòng nguy cơ bị thiên thạch đâm trúng gây hại. Khả năng này cũng vô cùng thiết yếu cho các cơ quan quốc phòng, những người cần phải phân biệt được giữa các mảnh vỡ không gian và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đang tới.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)