1/4 cánh mày râu tin rằng họ đang trải qua "chu kỳ đèn đỏ" của nam giới hàng tháng, theo một cuộc khảo sát mới của Anh.
Theo các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc khảo sát, có tới 26% số nam giới đã thông báo bản thân trải nghiệm các triệu chứng tương tự như hội chứng trước kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ, chẳng hạn như chuột rút, mệt mỏi, cáu kỉnh, thèm ăn, ... Trong đó, 5 triệu chứng hàng đầu là sự cáu kỉnh (56%), cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường (51%), tăng ham muốn (47%), liên tục cảm thấy đói (43%), dễ bị lo lắng, cảm thấy buồn (43%) và đầy bụng (15%).
Ngoài ra, thêm 12% nam giới tham gia khảo sát cũng thú nhận họ còn nhạy cảm hơn về cân nặng của mình.
Đa số phụ nữ (gần 2/3) có chồng trải nghiệm "chu kỳ đèn đỏ" hàng tháng của nam giới như trên cũng tin là nó thực sự tồn tại. 1/5 số chị em tham gia khảo sát thậm chí còn nhận xét, người bạn đời của mình đối mặt với giai đoạn đặc biệt này tệ hơn vợ họ.
Cuộc khảo sát cũng phát hiện, một người đàn ông tin mình trải qua "chu kỳ đèn đỏ" tiêu tốn thêm khoảng 124,6 USD cho thực phẩm và đồ ăn vặt mỗi tháng so với những bạn đồng giới không tin có hiện tương này.
Tiến sĩ Jed Diamond, tác giả cuốn "The Irritable Male", cũng tin rằng, phái mạnh trong thực tế đang phải trải qua chu kỳ đèn đỏ gần tương tự như ở phụ nữ. Ông đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về hiện tượng được đặt tên là "hội chứng dễ kích ứng của nam giới" này.
"Lâu nay người ta cho rằng, phụ nữ chịu sự quyết định của các hoóc môn, còn đàn ông bị tác động nhiều hơn bởi sự logic. Song, đàn ông cũng có nhiều chu kỳ hoóc môn và chúng đều tác động đến mức năng lượng, sự tức giận, nhu cầu tình dục và tính dễ cáu của họ", ông Diamond viết.
Khái niệm "chu kỳ đèn đỏ của nam giới" đã được nghiên cứu từ lâu, với nhiều quan điểm cho rằng lượng hoóc môn nam tính dao động theo chu kỳ của mặt trăng.
Vào những năm 1950, một nhà khoa học Đan Mạch có tên Allan Erslev đã thu thập các mẫu nước tiểu của đàn ông và khám phá ra rằng, lượng hoóc môn tăng lên và giảm xuống theo một chu kỳ kéo dài 30 ngày. Ông Erslev phát hiện, sự phát triển của râu, ria ở cánh mày râu cũng dao động trong cùng khoảng thời gian này.
Một nghiên cứu công bố năm 2012 của Anh cũng cho rằng, nam giới trải nghiệm các triệu chứng kiểu tiền kinh nguyệt tồi tệ như phụ nữ. Tiến sĩ Aubeeluck thuộc Đại học Derby (Anh) nhận định, điều này có thể do stress, hoặc vì đàn ông và phụ nữ có các ngưỡng chịu đau khác nhau.
Tuấn Anh (theo Daily Mail)