- Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam chỉ ở mức “hàng xén chợ quê” song lại bị cấp phép, khai thác, xuất khẩu một cách bừa bãi, thiếu minh bạch đang khiến ngân sách bị thất thu và để lại nhiều hậu quả về môi trường.

Đó là ý kiến nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia tại Hội thảo Quản trị ngành công nghiệp khai thác ở Việt Nam: Thách thức và nhu cầu cải cách do Liên minh Khoáng sản tổ chức hôm qua, 3/12.

Quản lý kiểu “đười ươi giữ ống”

TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Quản lý khai thác than đồng bằng sông Hồng, Tập đoàn than khoáng sản VN – TKV cho rằng, chúng ta cứ nói Việt Nam rừng vàng biển bạc nhưng thực ra tiềm năng khoáng sản chỉ thuộc loại “hàng xén chợ quê”.

{keywords}
Khai thác than tại Quảng Ninh.

Tiêu chuẩn tính trữ lượng khoáng sản của Việt Nam hiện nay thấp hơn thế giới tới 10 lần. Nếu tính trữ lượng theo tiêu chuẩn thế giới, khoáng sản của Việt Nam vừa ít về trữ lượng vừa thiếu về chủng loại”, ông Sơn cho hay.

Tiềm năng “vừa yếu, vừa thiếu”, nhưng trong 2 thập kỷ qua, chúng ta đã khai thác tài nguyên một cách bừa bãi, lãng phí. TS Sơn chỉ ra hàng loạt những hạn chế của ngành khai khoáng như: Không có chính sách và quy hoạch tổng thể, cực kỳ lạc hậu về công nghệ, tổ chức quản lý không phù hợp.

Công nghệ đãi vàng được đánh giá là tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay ở Thái Nguyên có mức tổn thất tài nguyên khoảng 70%. Hệ thống thải xỉ “made in China” của nhà máy luyện đồng Tằng Lỏng thì “chẳng khác gì cái lò rèn ở nhà quê”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, quản lý khai khoáng ở Việt Nam đang bị chồng chéo, vừa thiếu vừa yếu còn giám sát thì theo kiểu “đười ươi giữ ống”, tổng số tiền phạt không đủ bù tiền xăng xe của đoàn giám sát, theo ông Sơn.

Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) thì cho rằng, bất cập lớn nhất của ngành khoáng sản là việc thiếu các chính sách tài chính khoáng sản, cơ chế phân cấp quản lý bất cập dẫn tới tình trạng tận thu khoáng sản tại nhiều địa phương.

Kém hiệu quả và xâm hại môi trường

Những hạn chế, bất cập đã khiến ngành khai khoáng không mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế-xã hội, theo TS Sơn.

Ngành khai khoáng mặc dù không có nguyên liệu chính nhưng năng suất lao động và hiệu quả thấp, chưa năm nào đạt hiệu quả trên 20% như lý thuyết đề ra, hiệu quả lớn nhất như tập đoàn than cũng mới chỉ đạt 5%”, ông Sơn cho hay.

Trong khi đó, theo báo cáo giám sát của Quốc hội thì ngành khai khoáng và dầu khí chỉ đóng góp 10-12% GDP. Nghĩa là đầu tư đứng thứ 5 nhưng hiệu quả lại đứng thứ 8/18 ngành”, ông Sơn nói thêm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế cho rằng, tiền thuế thu được từ ngành khoáng sản đang rất hạn chế. “Nếu so sánh số lượng cấp phép với lượng thuế thu được thì “đau khổ vô cùng”, bà Cúc nói.

Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2013. Ở một số địa phương như Phú Yên, số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt khoảng 4 – 5 tỷ đồng dù số lượng giấy phép còn hiệu lực lên đến 200 giấy phép. Số thu này không đủ bù đắp các chi phí quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

{keywords}
GS Đặng Hùng Võ cho rằng, sự vẹo vọ của các nhóm lợi ích là nguyên nhân chính cản trở minh bạch ngành khai khoáng.

Trong khi đó, GS Võ cho rằng, những hạn chế này gây ra những bất ổn về môi trường và khiến người dân phải gánh chịu những tổn thất không đáng có. “Như tỉnh Bắc Kạn, chúng ta thấy tình trạng đào bới khắp nơi, bãi chứa chất thải bừa bãi, rừng bị phá, nguồn nước bị ô nhiễm, nước tưới cho nông nghiệp cũng không đảm bảo”, GS Võ nói.

Nhóm lợi ích cản trở minh bạch khai khoáng

Để khắc phục những hạn chế của ngành khai khoáng Việt Nam, tham gia Sáng kiến minh bạch công nghiệp khai thác (EITI) đang được coi là sáng kiến hiệu quả và đã có 49 quốc gia thực thi.

Nguyên tắc cơ bản của EITI là các chính phủ công khai các khoản thu từ doanh nghiệp khai thác và doanh nghiệp công khai các khoản nộp cho chính phủ.

Việt Nam đã tiếp cận EITI từ năm 2006. Tuy nhiên, sau gần 10 năm xem xét, Bộ Công thương, cơ quan được giao chủ trì xem xét thực thi sáng kiến này vẫn “giữ im lặng”.

Trao đổi với VietNamNet, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, đây là sự yếu kém rất rõ của Bộ Công thương.

Nhiệm vụ của Bộ Công thương sau từng ấy năm khảo sát, đã từng thuê tư vấn, đã từng có báo cáo mà để rơi vào im lặng thì đó không phải kết quả phù hợp với giai đoạn hiện nay”, ông Võ cho hay.

Một việc đặt ra phải kết luận là A, là B nhưng phải kết luận. Có thể đưa ra kết luận ngày là VN không nên tham gia vì lý do 1,2,3,4. Kết luận có thể sai sai, tôi không đánh giá nhưng việc không trả lời là hành vi cực kỳ yếu kém”, ông Võ nói thêm.

Nói về nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc thực thi minh bạch hóa ngành khai khoáng gặp nhiều trở ngại, ông Võ cho rằng, câu chuyện nằm ở nhóm lợi ích của một số DN có lợi thế, những nhóm lợi ích lớn liên kết với các chính quyền tại địa phương.

Chính các nhóm lợi ích làm cho chậm tiến độ (minh bạch hóa khai khoáng). Vì càng thiếu minh bạch thì lợi ích bất thường càng nhiều. Minh bạch càng sớm thì cân đối lợi ích sẽ tốt hơn”, GS Võ nói.

Cần có tính toán rất toàn diện về chiến lược, một cách rất khách quan, một cách đừng có quan tâm đến lợi ích của nhóm nào, đó là lợi ích của toàn dân, lợi ích của đất nước thì mới có một trạng thái cân đối trong xem xét vấn đề khoáng sản”, GS Võ nói thêm.

Lê Văn

TIN LIÊN QUAN