Các nhà khoa học nghiên cứu sao Hỏa vừa lần đầu tiên phát hiện sự hiện diện của nitơ, một nguyên tố thiết yếu cho sự tồn tại của sự sống trên sao Hỏa, được tách ra từ các phân tử nitrat do quá trình nóng lên của bề mặt lớp trầm tích.

{keywords}

Tàu thăm dò sao Hỏa Tò Mò (Curiosity) vẫn đang phân tích các mẫu vật trên bề mặt sao Hỏa (Ảnh: Guardian)

Nitơ là nguyên tố thiết yếu cho sự sống, khi tham gia hình thành các vật chất di truyền như ADN và RNA. Protein cũng cần có nitơ để hình thành các cấu trúc như tóc và móng tay chân.

Nitơ trên sao Hỏa được phát hiện ở dạng nitơ oxit, được giải phóng từ các cấu trúc phân tử lớn hơn, được biết đến với tên nitrat, trangPhys.org đưa tin. Để có được nitơ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ Phân tích Mẫu vật tại sao Hỏa (SAM) được đặt trên tàu thăm dò Tò Mò của NASA.

Trước đây các nhà khoa học từng phát hiện bằng chứng cho thấy những nguyên tố cần cho sự sống, bao gồm nước ở thể lỏng và các vật chất hữu cơ, từng có mặt trên sao Hỏa hàng tỷ năm trước.

“Việc tìm thấy một dạng có thể tiếp cận về mặt sinh hóa của nitơ là bằng chứng củng cố thêm nhận định môi trường sao Hỏa cổ đại tại khu vực Gale Crater phù hợp cho sự sống”, Jennifer Stern, nhà khoa học tại Trung tâm Goddard Space Flight của NASA, bang Maryland nhận định.

Các nhà khoa học đã phát hiện nitrat với số lượng lên tới 1100 ppm trong đất của sao Hỏa, khiến họ đi đến kết luận rằng lớp bùn trên sao Hỏa được hình thành từ trầm tích lắng đọng ở đáy một hồ cổ.

Các phân tử nitrat có chứa một lượng nitơ nhất định cần thiết cho sự sống trên sao Hỏa. Sau khi tàu Tò Mò làm các thử nghiệm với lớp bùn, bụi và cát tại 3 địa điểm khác nhau của Hành tinh Đỏ, bằng chứng về sự hiện diện của nitrat có ở cả 3 địa điểm này.

Trước đó, một đội tàu thám hiểm từng cho biết phát hiện bằng chứng về môi trường phù hợp cho sự sống trên sao Hỏa, bao gồm sự hiện diện của nước, cacbon và các nguồn năng lượng tiềm năng để kích thích sự trao đổi chất của các sinh vật đơn giản.

Theo Dân trí