Các kỹ sư của Nhật Bản vừa khám phá ra cách thức tạo thiết bị ảnh 3 chiều (hologram) có thể sờ nắm và cảm nhận được. Khả năng này là cực kỳ hữu ích cho tương lai phát triển các thiết bị thông minh của Internet of Things tới đây.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều công ty công nghệ lớn đang đầu tư tiền của và công sức tạo ra các sản phẩm thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và tương tác ảo, bởi họ nhận ra tiềm năng rất lớn từ chúng, đặc biệt là trong cách thức tiến hóa các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tokyo đang tạo ra sản phẩm có tên Haptoclone với khả năng độc đáo trên. Về cơ bản, sản phẩm này sẽ cung cấp cho người dùng hệ thống tương tác hỗ trợ khả năng rung cảm nhận. Nó cho phép gửi ảnh 3 chiều của bàn tay hoặc khuôn mặt cho một người khác sử dụng chung thiết bị để họ có thể cảm nhận như đang chạm vào người thật trước mặt.
Ý tưởng trên được giới thiệu lần đầu tại hội nghị SIGGRAPH 2015 về đồ họa máy tính và các công nghệ mới xuất hiện. Tuy chưa được thương mại hóa, nhưng công nghệ Haptoclone khi kết hợp với các dự án VR và AR khá có thể giúp tạo ra các trải nghiệm số tuyệt vời hơn.
"Sẽ rất tuyệt nếu một ngày nào đó mọi người ở các địa điểm khác nhau có thể giao tiếp, cảm nhận và tiếp xúc như thể họ đang đứng trước mặt nhau", nhà nghiên cứu Yasutoshi Makino của Đại học Tokyo chia sẻ.
Haptoclone sử dụng cảm biến kinect để bắt chuyển động theo thời gian thực và chuyển lực nhấn bức xạ siêu âm qua 4 ống siêu âm. Máy tính sẽ giúp bạn khi đặt tay vào trong hộp thiết bị Haptoclone có cảm giác đang chịu lực tương tác của người bên kia đường dây.
Nguyễn Minh (theo BGR)