ốiTạp chí Time (Mỹ) vừa giới thiệu những hình ảnh đàn cá đuối “hai mồm” khổng lồ lên tới 200 con tụ họp lại thực hiện những vũ điệu bơi lả lướt và ăn sinh vật phù du dưới vùng biển Hanifaru thuộc quốc đảo Maldives, Ấn Độ Dương.



Nhiếp ảnh gia người Anh Warren Baverstock đã dành thời gian 9 ngày lặn tại vùng biển Hanifaru để khám phá loài cá đuối hai mồm.



Cá đuối hai mồm có tên khoa học là Manta birostris. Sở dĩ gọi loài này là cá đuối hai mồm vì trên đầu của nó có hai cái sừng dài - thực tế là những chiếc vây dài có tác dụng lùa những sinh vật phù du và cá nhỏ vào mồm.



Có tới 200 con cá đuối hai mồm tụ họp lại tại vịnh Hanifaru - có kích thước tương đương một sân bóng đá - để ăn sinh vật phù du và tiến hành giao phối, duy trì nòi giống.



“Tôi từ từ tiếp cận một con cá đuối hai mồm có sải vây bơi cơ thể khoảng 3 mét. Tôi đã bị mê hoặc bởi kiểu bơi duyên dáng của nó” - anh Baverstock, 42 tuổi, đến từ thành phố Plymouth, Anh, nói trên Time.



Anh Baverstock đã kịp định hình trước những vũ điệu bơi choáng ngợp của con cá đuối hai mồm này, sau đó anh chụp ảnh khi nó bắt đầu thực hiện động tác xoay vòng và lượn mình xuống những nơi sâu hơn của vùng biển Hanifaru để ăn sinh vật phù du.



“Một lát sau xuất hiện thêm 1 con khác, 2 con và từ từ chúng tập trung lại ngày càng đông đúc hơn. Có thời điểm tôi không thể tin được khi cùng lúc xuất hiện 25 con, tụ họp thành vòng tròn lớn và há to cái mồm khổng lồ để đớp thức ăn”, anh Baverstock kể lại.



Cá đuối hai mồm là loài cá đuối lớn nhất thế giới. Theo thông tin trên Wikipedia, con cá đuối hai mồm lớn nhất mà con người từng bắt được có sải vây bơi hơn 7,6 mét và đạt trọng lượng 1.300kg. Loài cá đuối này còn có tên gọi khác là “cá quỷ”, có tỉ lệ bộ não so với trọng lượng cơ thể lớn nhất nếu so sánh với “họ hàng” của nó là cá mập.



Thức ăn ưa thích của cá đuối hai mồm là những sinh vật phù du và cá con dưới đáy đại dương hoặc giữa không gian mênh mông của đại dương.



Ngoài việc tập trung tìm kiếm thức ăn trong mùa giao phối, chúng còn thường viếng thăm những “trạm làm sạch” tại các rạn san hô - nơi các loài cá nhỏ như cá hàng chài, cá ép và cá thần tiên thích chui vào mang và bám trên cơ thể chúng để ăn ký sinh trùng và làm sạch các tế bào chết trên da của chúng.

  • Huỳnh Phương