Con người bắt đầu đi bằng hai chân sớm hơn rất nhiều so với chúng ta nghĩ trước đây, theo một nghiên cứu khoa học mới được công bố.

TIN LIÊN QUAN

Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn tin rằng con người bắt đầu biết đi thẳng người bằng hai chân cách đây khoảng 1,9 triệu năm. Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học, đứng đầu bởi tiến sĩ Robin Crompton thuộc trường đại học Liverpool (Anh),  đã phát hiện thấy những dấu chân người có niên đại cách đây khoảng 3,7 triệu năm.

Chủng người Australopithecus afarensis được cho là đã có thể đi thẳng bằng hai chân cách đây 3,7 triệu năm. Ảnh: Getty Images

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy 11 dấu chân in trên đá ở Laetoli, Tanzania. Những dấu chân này có đặc điểm giống với dấu chân của người hiện đại khi đứng thẳng, hơn là dấu chân của các các loài linh trưởng khác như tinh tinh, đười ươi và khỉ đột.

Các dấu chân vừa phát hiện được cho là của loài Australopithecus afarensis – một chủng người thời tiền sử có thể là tổ tiên trực tiếp của người hiện đại ngày nay. Các nhà khoa học đã so sánh các phân tích dấu chân với những số liệu nghiên cứu dấu chân của người hiện đại và khỉ.

Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Robin Crompton, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Các nghiên cứu trước đây cho rằng, chủng người Australopithecus chỉ có thể đi lom khom. Tuy nhiên, những dấu chân được phát hiện ở Laetoli hé lộ, chủng người này đã có thể đi thẳng người trên hai chân giống như loài người ngày nay”.

Trong những nghiên cứu trước đây, các nhà khoa học chỉ phát hiện những dấu chân đơn lẻ. Điều này khiến các nhà khoa học rất khó xác định đây có phải là dấu chân thật hay là được chạm khắc.

Hà Hương