Những thí nghiệm trên chuột đã chứng minh thông qua các microchip cấy ghép vào não, não bộ có thể nhớ lại hoặc tạm thời quên hẳn những gì đã thấy, đã nghe, đã trải nghiệm.

TIN LIÊN QUAN


Theo thông tin đăng tải trên Newsru, các nhà khoa học trường Đại học Wake-Forrest và South Carolina có ý định cải tiến bộ não để con người có thể điều khiển được trí nhớ thông qua công tắc “bật/tắt”. Ví dụ nếu bật công tắc, có thể nhớ được tất cả những gì xảy ra, hoặc đã từng nhìn thấy, nghe thấy hoặc đọc được, nếu tắt, sẽ hoàn toàn không có khái niệm gì về những điều đó.

Trí nhớ của con người có thể được điều khiển bằng một microchip. Ảnh minh họa.

Muốn làm được điều này, cần phải cấy các microchip, sau đó bật hoặc tắt chúng bằng liên kết vô tuyến nhằm tác động đến trí nhớ.

Những thí nghiệm đầu tiên đã tiến hành trên chuột. Người ta cấy các microchip vào 2 vùng thần kinh gọi là CA1 và CA3 thuộc đồi thị (hippocampus). Tại đây các trí nhớ ngắn hạn sẽ biến thành trí nhớ dài hạn. Bộ thiết bị như vậy có khả năng bắt chước các tín hiệu thần kinh đặc biệt của não đi từ vùng CA1 sang vùng CA3, và hồi phục lại được trí nhớ đã mất.

Trong những điều kiện thí nghiệm, khi người ta hoạt hoá các microchip, chuột nhớ được những gì đã hình thành trong trí nhớ, thí dụ chúng, thành thạo đi lại trong mê cung nhưng khi tắt các microchip này, chúng lại quên hết, không tìm nổi đường đi đến chỗ quen thuộc, giấu thức ăn.

Trong thí nghiệm khác, người ta phong toả vùng CA1 của chuột thì con vật không nhớ được những gì được huấn luyện, song khi microchip chuyển những tín hiệu tương tự vào vùng CA3 thì chúng lại hồi phục được trí nhớ cũ.

Trong thời gian tới, các thí nghiệm sẽ được tiến hành trên một loài vật gần gũi với người hơn là khỉ. Các nhà khoa học tin rằng hoàn toàn có khả năng áp dụng những thành công này trên người để chữa bệnh, trước hết là bệnh lú lẫn của người già (bệnh Alzheimer).

Bảo Châu