Những người sạch sẽ một cách thái quá trong nhà mình và tại cơ quan là tự mình phá hoại mối quan hệ giữa cơ thể với những vi khuẩn có ích, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm giảm chức năng của não, thông tin trên trang Pravda cho hay.

TIN LIÊN QUAN

Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa là điều rất tốt, song cái gì cũng nên có giới hạn của nó. Chúng ta thường gặp những người phụ nữ lúc nào cũng chăm chăm đến việc sắp xếp lại mọi thứ trong nhà, lau chùi các đồ vật đến sáng loáng, rất khó chịu với những người khách vô ý bước vào nhà mình với đôi giày bui bặm và không muốn những người lôi thôi, đi xa về chẳng hạn, vào gian phòng của mình.

Quá sạch sẽ dễ bị trầm cảm. Ảnh minh họa.

Những người đó thường bị nhận xét rằng “sạch sẽ một cách bệnh hoạn”. Hóa ra, lời nhận xét đó là sự thật. Sự sạch sẽ quá mức mang tính bệnh lý khó sửa và thực tế cũng dẫn đến các loại bệnh …

Các nhà y học đã tìm ra mối quan hệ tỷ lệ thuận trực tiếp giữa lượng bụi còn tồn tại trong nhà với nguy cơ dễ mắc một dạng trầm cảm rất nặng và cuối cùng chuyển thành một loại bệnh tâm thần. Thêm vào đó người ưa sạch sẽ còn làm rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch vốn là hàng rào ngăn cản sự xâm nhập mọi bệnh vào cơ thể.  

Các nhà y học giải thích: Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể trở nên bị mẫn cảm với bụi và các chất bẩn (dị nguyên) khác, khiến người ta thường xuyên bị dị ứng. Chứng dị ứng làm chậm lại quá trình sản sinh trong não những hóa chất quan trọng, trong số đó có serotonin. Thiếu hoặc giảm nồng độ chất này trong máu là một nguyên nhân thực thể của bệnh trầm cảm.

Chính vì vậy, người ta thường khuyên chỉ nên dọn dẹp mọi thứ trong ngôi nhà của bạn mỗi tuần một lần và tổng vệ sinh từ 3 đến 4 tháng một lần là hoàn toàn đủ. Tất nhiên lời khuyên này còn phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Sống giữa đường phố chật hẹp và bụi bặm chắc phải làm vệ sinh thường xuyên hơn.  

Bảo Châu