Các nhà khoa học lần đầu tiên đã phát hiện thấy tiểu hành tinh Trojan có cùng quỹ đạo quay quanh Mặt trời với Trái đất của chúng ta.

TIN LIÊN QUAN

Hình mô phỏng quỹ đạo bay của tiểu hành tinh Trojan và Trái đất. Ảnh: National Geographic

Trojan là các tiểu hành tinh tồn tại trong những vùng có lực hấp dẫn ổn định ở trước hoặc đằng sau một hành tinh khác. Điều đó có nghĩa rằng, tiểu hành tinh Trojan và hành tinh song hành với nó không bao giờ va chạm nhau.

Tiểu hành tinh mới được phát hiện của Trái đất có chiều rộng khoảng 300m và nằm trước Trái đất khoảng 80 triệu km. Các tiểu hành tinh Trojan có thể được tìm thấy quanh sao Mộc, sao Hải Vương, sao Thổ và sao Hỏa.

Tạp chí National Geographic dẫn lời tiến sĩ Martin Connors, thuộc trường Đại học Athabasca (Canada) và là một trong những thành viên phát hiện thấy tiểu hành tinh Trojan, cho biết: “Tiểu hành tinh Trojan quay quanh Mặt trời cùng với quỹ đạo của Trái đất. Tiểu hành tinh này chịu một phần ảnh hưởng của lực hấp dẫn từ hành tinh chúng ta, và chịu ảnh hưởng chủ yếu của lực hấp dẫn từ Mặt trời”.

Các nhà khoa học từ lâu đã phỏng đoán rằng Trái đất của chúng ta có các tiểu hành tinh Trojan. Tuy nhiên, những tiểu hành tinh như vậy chưa từng được phát hiện trước đây vì chúng thường rất nhỏ, khiến các khoa học rất khó phát hiện bằng kính thiên văn.

Nhờ sử dụng kính viễn vọng Wide-field Infrared Survey Explorer (WISE), tiến sĩ Connors và các cộng sự đã phát hiện thấy một khối thiên thạch  2010 TK7 (hay tiểu hành tinh Trojan) có quỹ đạo cùng với Trái đất của chúng ta. Các nhà khoa học cũng nhận định, tiểu hành tinh này có quỹ đạo ổn định ít nhất trong 10.000 năm nữa.

Mặc dù tương đối gần Trái đất, nhưng các nhà khoa học cho rằng tiểu hành tinh 2010 TK7 không phải là ứng cử viên lý tưởng cho các cuộc thám hiểm của robot hay con người trong tương lai. Lí do là vì tiểu hành tinh này có quỹ đạo di chuyển rất phức tạp.

Hà Hương