- Các chuyên gia đều khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất muối đủ tiêu chuẩn chất lượng dùng cho công nghiệp nếu như người dân biết thay đổi thói quen sản xuất và nhà nước có sự đầu tư đúng mức.

TIN LIÊN QUAN

Chất lượng kém vì tập quán sản xuất


Việc các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn muối trong khi muối sản xuất trong nước vẫn thừa đã trở thành nỗi bức xúc trong nhiều năm qua. Một trong những nguyên nhân chính được đưa ra để lý giải cho “nghịch lý” này là chất lượng muối sản xuất trong nước không đáp ứng được nhu cầu cho công nghiệp cũng như y tế.

Vấn đề là, vì sao muối sản xuất trong nước lại không đáp ứng được nhu cầu về chất lượng cho sản xuất công nghiệp? Và có giải pháp nào để diêm dân có thể sản xuất muối phục vụ cho nhu cầu sản xuất công nghiệp thay vì sản xuất muối ra muối ăn đã quá dư thừa hay không?

Muối sản xuất trong nước vẫn chủ yếu là muối sản xuất theo phương pháp thủ công.

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Bội Tuyền, một chuyên gia làm việc nhiều năm trong ngành muối, tác giả của nhiều cuốn sách giáo khoa về kỹ thuật sản xuất muối cho hay, cả hai phương pháp làm muối trong nước hiện nay đều chỉ cho ra loại muối có hàm lượng NaCl 85% (đối với phương pháp phơi cát ở miền Bắc) và 93-96% (với phương pháp phơi nước ở miền Trung và Nam). Hàm lượng NaCl này thấp hơn so với yêu cầu tiêu chuẩn của muối công nghiệp là 98%.

Trong khi đó, hàm lượng các chất Magie (Mg), Canxi (Ca), Sunphat (SO4) và các chất không tan  lại quá cao so với tiêu chuẩn. Ngoài ra, muối sản xuất trong nước thường là muối kết tinh ngắn ngày nên muối thường có độ ẩm cao (nhiều nước), xốp và nhẹ chứ không khô và cứng như muối nhập ngoại.

Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hóa chất thường không thích loại muối này vì ngoài hàm lượng NaCl thấp, các chất Mg, CA, SO4, và các chất không tan quá nhiều trong loại muối sẽ làm hư hỏng thiết bị. Muốn sử dụng lại phải đầu tư các dây chuyền làm sạch để nâng cao chất lượng muối. Hơn nữa, việc muối có chứa quá nhiều nước, xốp và nhẹ khiến hao phí sản xuất trở nên rất cao, ông Tuyền cho hay.

Cùng quan điểm với ông Tuyền, ông Bùi Sơn Long, giám đốc Chi nhánh thực nghiệm và chuyển giao công nghệ muối biển còn cho biết, hiện nay nước ta chỉ có 8 đồng muối sản xuất công nghiệp tập trung nằm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Diện tích này chỉ chiếm 17% tổng diện tích sản xuất muối với 20% tổng sản lượng muối (khoảng 250 ngàn tấn trong tổng sản lượng 1,186 triệu tấn năm 2010). 80% diện tích còn lại là các đồng muối phân tán, bao gồm 17% diện tích sản xuất theo phương pháp phơi cát nằm ở miền Bắc và hơn 60% sản xuất theo phương pháp phơi nước nằm ở miền Nam. Diện tích này chiếm tới 80% sản lượng muối trong cả nước.

Theo ông Long, chất lượng muối "nội" thấp là vì ở Việt Nam, do tập quán sản xuất, thường là sản xuất thủ công, sức người là chính và thường dùng cát, vôi, xỉ than (trong phương pháp phơi cát ở miền Bắc) hay bùn, đất sét (phơi nước phân tán ở miền Nam) để làm nền ruộng phơi muối nên muối làm ra thường lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng NaCl thấp. Trong khi đó, hàm lượng các chất không mong muốn lại vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Thêm vào đó, do điều kiện khí hậu trong nước, nhiều mưa nên diêm dân thường lựa chọn phương pháp sản xuất kết tinh ngắn ngày để vừa có thể sản xuất được nhiều vụ vừa thu hoạch được bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ khiến muối không đạt được hàm lượng  NaCl cao mà ngược lại còn chứa rất nhiều nước, muối thường rất xốp và nhẹ chứ không rắn và nặng.

Với tư cách là chủ một đơn vị sản xuất và chế biến muối, ông Long cũng thừa nhận, lượng muối thừa hiện nay trong cả nước chính là loại muối sản xuất thủ công và phân tán, không đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho công nghiệp chứ muối sản xuất công nghiệp thì không hề thừa. Bằng cớ là ngay từ đầu năm, đơn vị của ông đã gửi văn bản đặt hàng tới các đồng muối công nghiệp nhưng đến nay chỉ mới mua được 2 nghìn tấn bằng 1/5 nhu cầu.

Có thể sản tự sản xuất đủ muối cho công nghiệp

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bội Tuyền, chúng ta hoàn toàn có thể sản xuất được muối theo tiêu chuẩn công nghiệp nếu như người dân thay đổi thói quen trong sản xuất muối và có được sự đầu tư, quy hoạch đúng mức của nhà nước.

Muối thu hoạch ở đồng muối Hòn Khói sau khi rửa cho chất lượng muối rất cao.

Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Sơn Long cho rằng, ngoài tập quán sản xuất thủ công và kết tính ngắn ngày, một trong những nguyên nhân khiến muối “nội” chất lượng kém hơn là do không trải qua khâu rửa muối. Ở nước ngoài, ngoài việc sản xuất muối quy mô lớn, được cơ giới hóa ở mức cao và thường sử dụng phương pháp kết tinh dài ngày, muối sau khi thu hoạch đều trải qua công đoạn rửa muối.

Theo ông Long, việc rửa muối sau khi thu hoạch sẽ giúp loại bỏ bớt các tạp chất không cần thiết, nâng cao hàm lượng NaCl từ đó nâng cao chất lượng muối. Ở nước ngoài, đây là một công đoạn bắt buộc. Tuy nhiên, muối sản xuất trong nước, ngay cả các đồng muối công nghiệp chứ chưa nói đến các đồng muối phân tán đều không trải qua công đoạn này.

Với tư cách là người hiện đang nắm giữ nhiều bằng sáng chế về các công nghệ chế biến và làm sạch muối, ông Long cho biết, mấy năm gần đây đã có nhiều đề tài nhằm cơ giới hóa quá trình sản xuất cũng như thu hoạch muối được Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên cho ngành muối. Chất lượng muối công nghiệp khi áp dụng công nghệ của đề tài này đã vượt xa tiêu chuẩn ngành, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ( NaCl > 99% ).

Tuy nhiên, việc đưa các công nghệ này vào sản xuất thì lại gặp phải rất nhiều khó khăn do các đồng muối trong nước chủ yếu lại sản xuất phân tán, giao thông đi lại rất khó khăn nên khó có thể tập trung số lượng lớn. Trong khi đó, việc đầu tư một dây chuyền rửa hay làm sạch muối lại là “quá sức” với một hộ sản xuất hay một doanh nghiệp nhỏ.

Vì vậy, theo ông Long để giải quyết cuộc “khủng hoảng” trong ngành muối thì cần có những giải pháp về căn cơ, từ thay đổi thói quen sản xuất cho tới đầu tư các dây chuyền công nghệ mới, quy hoạch các đồng  muối phân tán thành sản xuất công nghiệp, cải thiện giao thông. Còn “cứ để diêm dân ‘tự sản, tự tiêu’ như hiện nay thì làm sao không ế?”.

Nam Phong