Theo dự báo mới nhất của NASA, vệ tinh 20 năm tuổi UARS sẽ rơi xuống Trái đất trong tối nay. Toàn bộ châu Âu và châu Á, không loại trừ Việt Nam, đều nằm trong khu vực có khả năng hứng "mảnh vỡ" của vệ tinh.

TIN LIÊN QUAN

Vệ tinh 6 tấn, to cỡ một chiếc xe buýt này sẽ rơi xuống Trái đất vào tối nay hoặc rạng sáng mai. Ảnh: NASA.

Hiện tại, khu vực Bắc Mỹ đã được tạm xác định là an toàn, ngoài vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, vệ tinh có thể rơi xuống bất kỳ đâu trong một dải diện tích trải từ vĩ tuyến 57 độ Bắc đến 57 độ Nam (bao trùm toàn bộ châu Âu, châu Á, Nam Mỹ, Châu Phi, châu Úc). Khả năng UARS đe dọa đến tính mạng con người là 1/3200, cao hơn đáng kể so với xác suất 1/10.000 mà NASA đưa ra trước đây.

Theo dự đoán, vệ tinh nặng 6 tấn và to cỡ một chiếc xe buýt này sẽ vỡ thành hơn 100 mảnh khi va chạm với bầu khí quyển. Phần lớn mảnh vỡ sẽ bị thiêu cháy nhưng tối thiểu 26 mảnh vỡ lớn sẽ có thể chịu đựng được giai đoạn "lò nhiệt" này và tiến sâu hơn về phía bề mặt Trái đất.

Phân tích trên BBC, tiến sĩ Stuart Eves, một chuyên gia về vệ tinh và không gian nhấn mạnh tính bất định trong việc theo tốc độ phân hủy của vệ tinh khi tiếp xúc với khí quyển trái đất. Theo ông, các phương pháp tính toán hiện nay chỉ có thể cho ra kết quả với độ chính xác... 10%.

Xác suất đúng 10% kết hợp với việc UARS mất khoảng 1 tiếng rưỡi để đi hết quỹ đạo Trái đất cho phép Tiến sĩ Stuart phán đoán rằng, UARS sẽ rơi vào đêm nay hoặc rạng sáng ngày mai, với địa điểm nhiều khả năng là Châu Đại dương.

Các mảnh vỡ của nó có thể rơi xuống bất cứ đâu trong khu vực nằm giữa 2 vĩ tuyến 57 độ Bắc và 57 độ Nam, không loại trừ lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: NASA.

Quá trình phân hủy của vệ tinh có thể chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như hình dạng của mảnh vỡ vệ tinh, chiều rơi của nó, nhiệt độ của bầu khí quyển Trái đất.... Nếu tia cực tím từ Mặt trời có cường độ mạnh, bầu khí quyển sẽ giãn nở và vệ tinh sẽ rơi nhanh hơn so với dự đoán.

Về phần mình, NASA nhận định do 70% bề mặt Trái đất được bao phủ bởi đại dương nên việc vệ tinh rơi xuống biển là có khả năng cao nhất. Tuy nhiên, khả năng một số mảnh vỡ rơi xuống đất liền cũng không thể loại trừ. Tuy nhiên, các quan chức NASA cũng nhấn mạnh rằng từ trước tới nay, chưa có bất kỳ ai bị thương bởi những vật thể rơi trở lại từ không gian kiểu này. Còn Tiến sĩ Stuart thì chỉ ra rằng các vụn thiên thạch rơi xuống Trái đất quanh năm mà thậm chí chúng ta chẳng hề hay biết.

Theo khuyến cáo của NASA, trong trường hợp bắt gặp các mảnh vỡ của vệ tinh, người dân không nên chạm hay tiếp xúc trực tiếp mà phải nhanh chóng liên lạc với nhà chức trách địa phương.

Trọng Cầm