Tuần tới, quỹ đạo Trái đất vào tháng 10 hàng năm sẽ trùng với đỉnh điểm của mưa sao băng Draconid, khiến NASA lo ngại cho "an nguy" của các tàu không gian trước những dòng vụn đá và bụi vũ trụ ào ạt phóng tới từ Sao chổi 21P/Giacobni-Zinner.

NASA đang nghiên cứu các phương án bảo vệ cho các vệ tinh, Trạm ISS và kính viễn vọng Hubble trước những va chạm có thể xảy ra do mưa sao băng. Cùng lúc, các nhà khoa học Mỹ và Đức cũng đang cố gắng tái tạo mưa sao băng trong phòng thí nghiệm để xem chúng có thể gây thiệt hại tới mức nào. 

Bình thường, các trạm không gian và vệ tinh vẫn thường đụng độ với rác vũ trụ và vụn thiên thạch. Hậu quả vật lý của những va chạm này đã được giới khoa học định lượng, tuy nhiên, tác động điện từ của chúng ra sao thì vẫn còn là một ẩn số.

Trong môi trường phòng thí nghiệm, những va chạm từ tính có thể sản sinh ra plasma, gây nhiễu hoặc ảnh hưởng đến độ nhạy của vệ tinh. Trong một số trường hợp, hệ thống điện tử của tàu không gian còn có thể bị hỏng dẫn tới mất tín hiệu và liên lạc hoàn toàn với mặt đất.

Theo bà Sigrid Close, Phó Giáo sư Không gian và vũ trụ học của Đại học Stanford thì tần số radio phụ thuộc rất lớn vào tốc độ, vì thế nó cũng nhạy cảm nhất trước mưa sao băng, vốn có tốc độ di chuyển nhanh hơn nhiều so với vụn thiên thạch và rác vũ trụ. Lấy thí dụ, năm 1993, vệ tinh viễn thông Olympus của Cơ quan Không gian châu Âu ESA đã bị mất thăng bằng sau trận mưa sao băng Perseid. Tương tự, khi trận mưa sao băng Perseid đạt đến đỉnh điểm năm 2009, đến lượt vệ tinh Landsat 5 bị nhiễu và mất thăng bằng.

Thông tin an ủi là mưa sao băng Draconids có tốc độ chậm hơn so với Perseid. Tốc độ của chúng xấp xỉ 20 km/giây, do đó khả năng gây nhiễu, hỏng tần số điện bên trong các vệ tinh, tàu và trạm không gian là gần như bằng 0, chuyên gia William Cooke của NASA nhận định trên Space.com. Tuy nhiên, hiện khoa học vẫn chưa xác định được, mưa sao băng di chuyển với tốc độ nào thì đủ để gây rắc rối cho việc điều khiển vệ tinh.

Trọng Cầm