Rắn vua có thể nuốt con rắn dài hơn mình, rắn chuông có thể “bay” cao đến 15m, v.v… Rất nhiều điều thú vị về họ nhà rắn có thể bạn chưa biết.

Rắn không có tai và thị giác rất kém. Chúng cũng không có mũi nhưng lại khá nhạy cảm với mùi. Răng nanh của loài rắng độc được ví là loại “vũ khí sinh học hiện đại nhất trong thế giới tự nhiên”. Và còn nhiều điều thú vị khác nữa về họ nhà rắn được trang LiveScience giới thiệu:

Có thể nuốt một con rắn dài hơn
Việc một con rắn vua có thể nuốt một con rắn dài hơn nó từ lâu vẫn là điều bí ẩn. Để giải tỏa bí ẩn này, nhà nghiên cứu Kate Jackson thuộc ĐH Toronto cùng đồng nghiệp đã tiến hành theo dõi và thu hình toàn bộ quá trình ăn uống độc đáo này của loài rắn vua.

Con rắn vua ngoạm hàm răng vào con mồi và từ từ đẩy con vật vào trong bằng cách ép xương sống của mình lại như cây đàn accordion. Khi hoàn tất quá trình này, “vị vua phàm ăn” sẽ nôn ra một ít để cho mọi thứ vừa bụng hơn.

Ăn chính con mình


Năm 2009, các nhà nghiên cứu đã quan sát và phát hiện rất nhiều rắn chuông mẹ sẽ không ngần ngại ăn thịt những đứa con bị chết yểu của mình. Theo hai nhà nghiên cứu Estrella Mocino và Kirk Setser, “Việc ăn một phần trứng và rắn con chết yểu sẽ giúp những bà mẹ nhẫn tâm này phục hồi rất nhiều năng lượng cho cơ thể mà không cần phải đi săn.”

Rắn có thể “bay” cao đến 15m
Làm thế nào để loài rắn thiên đường (sống trên cây) di chuyển từ cây này sang cây khác nhưng lại ”lười” bò xuống dưới? Chúng sẽ bay. Nói đúng hơn là chúng lượn.

Để thực hiện việc di chuyển mạo hiểm này, chúng thả mình xuống từ một cành cao, hoặc búng mình lên để đạt độ cao thích hợp cho việc lượn ra xa hơn. Khi đã ở trong không trung, chúng dẹt người ra và uốn éo theo dạng sóng chữ S để tốc độ được ổn định.

Loài trăn tiêu hóa hết con mồi, không chừa thứ gì



Những con trăn trưởng thành có thể sống bình thường trong nhiều tháng trời mà không cần ăn gì. Nhưng một khi đã ăn, chúng sẽ không lãng phí bất cứ thứ gì. Hệ tiêu hóa của loài này phát triển một hệ thống giúp chúng tiêu hóa sạch can-xi trong xương, giúp chúng tận dụng hết chất dinh dưỡng có trong con mồi.  
 
“Về mặt sinh lý học, bộ tiêu hóa tối ưu như vậy thực sự giúp chúng đối phó với việc nhịn ăn trong thời gian dài, sau đó ăn một bữa kềnh càng rồi tiêu hóa và hấp thụ hết toàn bộ dưỡng chất có được.” Nhà nghiên cứu Jean-Herve Lignot thuộc trường ĐH Louis Pasteur (Pháp) cho LiveScience biết.

Rắn hổ mang thích tấn công vào mắt

Khi quan sát rắn hổ mang tấn công bạn sẽ thấy nó dường như phun nọc độc vào kẻ thù. Thực chất nó không chủ động phun mà nọc độc bắn ra do sự co cơ ép tuyến độc khiến nọc trào ra khỏi nanh và bắn xa đến 2m.

Nếu nọc trúng mắt sẽ khiến đối phương bị mù. Và vào năm 2005 các nhà khoa học đã phát hiện chúng có chủ ý nhắm vào mắt của kẻ thù. Vào năm 2009 các nhà nghiên cứu lại tiếp tục phát hiện nọc độc của chúng thực chất không bắn ra thành tia mà như được xịt từ bình phun – hình thức khiến chất lỏng dễ bám vào mắt nhất.

Loài rắn nhỏ nhất có thể cuộn vừa một đồng xu

Loài rắn nhỏ nhất từng được biết được phát hiện năm 2008 ở Barbados. Chiều dài của chúng chưa tới 10cm và cơ thể chỉ mảnh như một sợi mì spaghetti. Theo nhà sinh học tiến hóa Blair Hedges, “Theo lẽ tự nhiên, rắn không thể quá nhỏ, bỡi lẽ nếu cơ thể nhỏ hơn một kích thước nhất định nào đó thì con cái của chúng sẽ không tìm được thức ăn phù hợp.”

Cao Nguyên