Columbus không phải là người tìm ra châu Mỹ và cũng không mang truyền bệnh giang mai về lại châu Âu. Dưới đây là những ngộ nhận phổ biến nhất của dư luận về Christopher Columbus, theo LiveScience:
Columbus chứng minh trái đất hình tròn
Nếu Columbus có chứng minh được điều đó, thì ông vẫn chậm chân hơn người khác tới 2000 năm. Những nhà toán học Hy Lạp cổ đại đã chứng minh thành công rằng Trái đất hình tròn chứ không phải là một mặt phẳng. Nhà toán học Pitago ở thế kỷ thứ 6 trước CN chính là một trong những người đầu tiên khởi xướng ý tưởng này và đến thế kỷ thứ 4 trước CN, đến lượt Aristot đã cung cấp bằng chứng vật lý để chứng minh, chẳng hạn như bóng của Trái đất trên mặt trăng hay độ cong của Trái đất mà mọi thủy thủ đều biết rõ khi tiến vào đất liền.
Và đến thế kỷ thứ 3, Eratos đã xác định được hình dáng và chu vi của Trái đất nhờ những phép tính hình học cơ bản. Sang thế kỷ thứ hai sau CN, Claudius Ptolemy đã viết “Almagest”, một luận thuyết pha trộn giữa toán học và thiên văn học về hình dáng và chuyển động của Trái đất. Luận thuyết này rất nổi tiếng trong giới thượng lưu và trí thức châu Âu ở thời của Columbus.
Trong khi đó, do các kiến thức đều tự học nên Columbus phán đoán chu vi của Trái đất nhỏ hơn thực tế rất nhiều, trong khi diện tích châu Âu lại được nhận định quá rộng. Columbus cũng cho rằng Nhật Bản cách rất xa Trung Quốc. Chính vì tất cả những lý do kể trên, ông cho rằng có thể đến châu Á bằng cách đi về phía tây – một quan điểm mà hầu hết giới trí thức châu Âu thời ấy đều cho là vô cùng ngớ ngẩn. Không phải vì Trái đất hình phẳng mà vì tính toán của Columbus quá sai. Tuy nhiên Columbus đã gặp may khi vẫn tìm thấy đất liền, dù hiển nhiên đó không phải là châu Á.
Columbus tìm ra châu Mỹ
Hãy cùng bỏ qua thực tế rằng hàng triệu người đã định cư trên mảnh đất mà sau này được đặt tên là châu Mỹ, cũng tức là họ đã phát hiện ra châu Mỹ cả thiên niên kỷ trước đó. Và cũng tạm quên đi hành trình của Leif Ericson tới Greenland và Canada vào năm 1000 sau CN. Nếu như Columbus là người đầu tiên tìm ra châu Mỹ thật, thì bản thân ông cũng không biết điều đó. Cho đến khi qua đời, ông vẫn tuyên bố mình đã đặt chân đến châu Á.
Trên thực tế, địa điểm mà Columbus tìm ra là vùng đảo Bahamas và đảo lớn Hispaniola (hiện đã tách thành Haiti và Cộng hòa Dominica). Sau này, ông thực hiện thêm vài chuyến xuôi nam về phía Trung và Nam Mỹ, vì thế, chưa bao giờ Columbus tiếp cận gần nước Mỹ cả.
Nhưng tại sao nước Mỹ lại tôn vinh một cách long trọng Columbus – người luôn nghĩ rằng mình đã tìm thấy con đường mới đến với châu Á và mảnh đất mà Marco Polo đã miêu tả? Đó là bởi vì nước Mỹ thời sơ khai đã chiến đấu chống lại quân xâm lược Anh chứ không phải quân Tây Ban Nha. John Cabot (người Anh) đã “tìm thấy” Newfoundland vào năm 1497 và dọn đường cho sự đổ bộ của quân Anh xuống gần hết lãnh thổ Bắc Mỹ. Vì thế, những người Mỹ quay sang tôn vinh Columbus như người hùng và quay lưng hoàn toàn với Cabot. Cũng vì lý do này mà thủ đô của Mỹ là Washington D.C, với D.C là chữ viết tắt của District of Columbia chứ không phải District of Cabot.
Columbus mang mầm bệnh giang mai về châu Âu
Đây là một quan niệm gây ra rất nhiều tranh cãi. Giang mai là bệnh phổ biến ở châu Mỹ trước thời Columbus, tuy nhiên, sử sách cũng cho thấy, căn bệnh này đã tồn tại ở châu Âu từ một thiên niên kỷ trước đó, dù không được hiểu đúng và ghi nhận đúng. Người Hy Lạp cổ đại chỉ miêu tả nhiều “thương tổn” rất giống với bệnh giang mai và vô tình, một đợt dịch giang mai đã bùng phát tại Naples vào năm 1494 trong đợt xâm lược của quân Pháp, chỉ 2 năm sau khi Columbus từ châu Mỹ quay trở về cố hương.
Columbus qua đời trong cảnh vô danh và nghèo đói
Có thể Columbus không sung túc gì khi qua đời tại Tây Ban Nha ở tuổi 54 vào năm 1506. Tuy nhiên, ông không túng quẫn như trong sử sách vẫn ghi. Ông sống khá thoải mái trong một căn hộ ở Valladolid, ngoại trừ những cơn đau do bệnh viêm khớp nặng mang lại. Columbus từng bị bắt nhiều năm trước vì bị cáo buộc đã bạo ngược và và bóc lột người châu Mỹ bản địa. Tuy nhiên ông đã được vua Ferdinand phóng thích chỉ sau 6 tuần ngồi tù. Ông cũng từ chối hầu hết những bổng lộc mà nhà vua và nữ hoàng hứa hẹn ban tặng.
Mặc dù vậy, sau khi ông chết, gia đình ông đã kiện... hoàng gia. Đây là một vụ kiện rất nổi tiếng và được đặt tên là vụ kiện Columbian, kéo dài gần 20 năm. Con cháu của Columbus cuối cùng cũng giành được nhiều tài sản và của cải từ tay đức vua.
Trọng Cầm