Mắt dài hơn, miệng rộng hơn: các nhà khoa học đã nhận dạng được nhiều đặc điểm khác biệt trên gương mặt trẻ tự kỷ so với trẻ bình thường.
Những phát hiện này được đánh giá là rất quan trọng, bởi nó giúp các bậc phụ huynh sớm nhận biết những dấu hiệu đang nghi ngại ở con cái từ rất sớm, trước khi các triệu chứng mờ nhạt của tự kỷ xuất hiện.
Chia sẻ với Daily Mail, các nhà khoa học của Đại học Missouri (Mỹ) cho biết họ đã tái hiện chân dung của gần 30 bé trai chia làm 2 nhóm: tự kỷ và bình thường. Sau thời gian dài phân tích, nghiên cứu, họ đi đến kết luận rằng khuôn mặt và trí tuệ của trẻ phát triển sóng đôi với nhau, đồng nghĩa với việc trí tuệ có thể tác động đến khuôn mặt và ngược lại. Quá trình này bắt đầu từ giai đoạn phôi thai và kéo dài cho đến hết tuổi thiếu niên.
Các nhà khoa học đã đánh dấu 17 điểm trên khuôn mặt và tính toán khoảng cách giữa các điểm với nhau. |
Cụ thể, những trẻ tự kỷ sẽ có khuôn mặt to ngang, mắt dài, mũi ngắn, miệng rộng và nhân trung vừa rộng, vừa ngắn.
Cho tới thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được liệu tự kỷ là bệnh do gene hay do tác động của môi trường. “Nếu như chúng ta có thể ghi nhận được thời điểm khuôn mặt có dấu hiệu thay đổi, khả năng phát hiện bệnh tự kỷ sẽ cao hơn”, Giáo sư Aldridge giải thích.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một hệ thống camera có thể chụp đồng thời 4 góc để tái tạo hình ảnh 3D về đầu và mặt của các bé. |
“Bản thân những em bị tự kỷ cũng chia thành 2 nhóm, trong đó nhóm bị bệnh nặng có nhiều đặc điểm khác biệt với nhóm ở thể vừa”, Giáo sư cho biết.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ giúp khoa học giải thích vì sao bệnh tự kỷ lại xuất hiện nhiều trong thời đại hiện nay như vậy, với tình trạng và mức độ nghiêm trọng rất khác nhau. Theo ước tính của Trung tâm Tự kỷ Quốc gia Mỹ, cứ 100 trẻ thì lại có 1 trẻ bị mắc bệnh tự kỷ.
Trọng Cầm