Các nhà khoa học thuộc Phòng nghiên cứu Địa chất ở Lyon nghiên cứu thành phần địa chất trong núi lửa ở Isua, thuộc phía tây nam Greenland. Kết quả, họ tìm thấy ở núi lửa phun trào cách đây 3,8 tỷ năm này những thành phần hóa học cần thiết cho sự sống.
Nham thạch núi nửa ở Greenland là điệu kiện lý tưởng để sự sống bắt đầu. |
Tuy nhiên, các nhà khoa học đến từ Pháp cho rằng môi trường ở các núi lửa dưới nước có nồng độ axít quá cao để sự sống hình thành. Trong khi đó, họ phát hiện khoáng chất serpentinite – một thành phần hóa chất cần thiết để duy trì sự sống - trên những khối đá cổ trong núi lửa ở Isua.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng điều kiện ở Greenland rất giàu carbonat, nồng độ axít không quá cao và nhiệt độ dao động từ 100 đến 300 độ C. Đây là điều kiện lý tưởng để các phân tử protein tiến hóa thành các tổ chức đơn bào trước khi phát triển thành các tổ chức đa bào và các sinh vật như chim, thú và con người.
Tiến sĩ Marie-Laure Pons, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Nham thạch của các núi lửa ở Isua là điều kiện thích hợp để sự sống bắt đầu trên Trái đất của chúng ta.”
Tuy nhiên, nghiên cứu của tiến sĩ Marie-Laure Pons vẫn chung quan điểm với nghiên cứu trước đây rằng con người hiện đại tiến hóa từ chủng người Nêanđectan ở châu Phi cách đây 20.000 năm và sau đó dần dần phát triển trên khắp thế giới.
Trong khi đó, tiến sĩ Simon Underdown, một nhà sinh vật học tiến hóa thuộc Đại học Oxford Brookes (Anh), đánh giá: “Chúng ta biết rất ít về nguồn gốc sự sống cách đây 4 tỷ năm. Nếu nghiên cứu này là chính xác, sự sống trên Trái đất có thể được hình thành với rất ít nước. Điều này đồng nghĩa với khả năng sự sống có thể tồn tại trên các hành tinh khác như sao Hỏa.”
Bất luận thế nào, những kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất học Pháp cũng là những thông tin mới mẻ và quý báu góp phần làm sáng tỏ hơn về nơi bắt đầu sự sống trên hành tinh chúng ta.
Hà Hương