Vũ trụ không thiếu những hiện tượng sởn gai ốc và những quái vật như trên trái đất. Nhân mùa Halloween, LiveScience đã điểm lại những tin tức không gian đáng sợ, thậm chí kinh dị trong thời gian gần đây.

TIN LIÊN QUAN

Bí mật của hành tinh ma cà rồng

“Kẻ lang thang màu xanh” là biệt hiệu để chỉ những ngôi sao bí ẩn, có biểu hiện “trẻ trung” hơn rất nhiều so với quần thể láng giềng cao niên. Lấy thí dụ, chúng có màu xanh lét và tỏa nhiệt mạnh hơn.

Những hành tinh này hút cạn khí hydrogen từ các ngôi sao ở gần để duy trì "tuổi trẻ", giống như ma cà rồng trong truyền thuyết.
Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, các nhà thiên văn học đã cố gắng giải thích nguồn gốc và hành vi của kẻ lang thang màu xanh, nhưng mãi đến gần đây, họ mới đạt được mục tiêu đó. Có vẻ như hầu hết kẻ lang thang màu xanh đều là... ma cà rồng, hút sạch nhiên liệu hydrogen của các ngôi sao ở gần và chính việc này đã giúp chúng luôn “trẻ trung”. Cũng giống như truyền thuyết về ma cà rồng, vốn hút máu nạn nhân để duy trì sự sống hoặc giữ mãi sự thanh xuân.

Vệ tinh rơi

Dù vệ tinh rơi hiếm khi gây ra thiệt hại gì về người và của, nhưng nhiều người vẫn lo ngại việc các vệ tinh cũ dồn dập tiếp đất gần đây là dấu hiệu của “bầu trời sắp sập” như trong một số giả thuyết tôn giáo. 

Ngày 22/10 vừa qua, vệ tinh ROSAT của Đức đã lao vào khí Quyển Trái đất và rơi xuống vịnh Bengal, tránh được hai thành phố đông dân của Trung Quốc chỉ trong gang tấc. Trước đó chỉ một tháng, vệ tinh cũ UARS của NASA cũng đã rơi xuống trái đất (ngày 24/9) ở Nam Thái Bình Dương và cũng không gây ra thương vong nào.

Vệ tinh Franken

Kể từ khi tiểu thuyết gia Mary Shelley xuất bản cuốn truyện giả tưởng nổi tiếng về quái vật “Frankenstein” vào năm 1818, ý tưởng về việc tạo ra sự sống mới từ những bộ phận đã chết đã trở thành nguyên liệu hấp dẫn của thể loại phim/kịch kinh dị.

Và giờ đây, ý tưởng đó đang được khoa học thử nghiệm cho không gian.

Hôm 20/10 vừa qua, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng cấp cao (DAPRA) của Mỹ thông báo họ sẽ thu gom những bộ phận chưa hỏng hóc, còn dùng được từ những vệ tinh cũ, sau đó lắp ráp lại thành một hệ thống không gian mới, giá rẻ.

Theo kế hoạch của DARPA, một vệ tinh “dịch vụ” sẽ tháo ăngten của các tàu không gian hỏng để lắp cho các vệ tinh mini mới được phóng lên quỹ đạo. Với tên gọi “Frankensat”, những vệ tinh mini này sẽ giúp quân đội tiết kiệm chi phí đáng kể, bởi ăngten là bộ phận lớn, cồng kềnh và rất đắt tiền.

Trọng Cầm