- Nạn săn trộm gia tăng đột biến ở châu Phi và Nam Á phần lớn là do nhu cầu sừng tê giác sử dụng cho y học cổ truyền Việt Nam ngày càng lớn, WWF nhận định.
Nhu cầu sừng tê giác đã khiến nạn săn bắn trộm tăng kỷ lục trong năm nay tại Nam Phi, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF, cho biết.
Rất nhiều tê giác đã bị giết để lấy sừng |
Theo số liệu từ Công viên quốc gia Nam Phi, 341 con tê giác đã bị giết tính từ đầu năm 2011 đến nay, vượt xa tổng số kỷ lục 333 con năm ngoái.
WWF nhận định, nạn săn trộm gia tăng đột biến ở châu Phi và Nam Á phần lớn là do nhu cầu sừng tê giác sử dụng cho y học cổ truyền Việt Nam ngày càng lớn.
Những kẻ săn trộm cưa sừng tê giác, và để lại con vật chảy máu đến chết.
Trong vòng 5 năm tính đến năm 2005, trung bình có 36 con tê giác bị giết mỗi năm ở Nam Phi.
WWF cho biết, nỗ lực thực thi pháp luật đã được tăng cường, song không đủ để ngăn chặn các nhóm tội phạm có tổ chức buôn lậu sừng tê giác.
Nam Phi đã trở thành điểm nóng của nạn săn bắn trộm, do ở đây có số lượng tê giác lớn nhất thế giới, với 1.916 con tê giác đen và 18.780 con tê giác trắng.
Việc buôn bán sừng tê giác được quy định trong Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và hiện tại Nam Phi chỉ cho phép xuất khẩu sừng tê giác đơn lẻ thu được trong hoạt động săn bắn hợp pháp.
Theo WWF, Nam Phi cần phải có những cải tiến trong quy định về giấy phép săn bắn và quản lý nguồn sừng tê giác dự trữ trong nước.
"Kể từ khi bảo vệ vũ trang cho tê giác tại Công viên quốc gia Nam Phi được tăng cường, các nhóm săn trộm dường như chuyển sang các nước có năng lực thực thi yếu hơn, có thể bao gồm cả các nước châu Á", Carlos Drews, giám đốc chương trình các loài toàn cầu của WWF, cảnh báo trong một tuyên bố.
Chính phủ Nam Phi đã chỉ đạo tiến hành một nghiên cứu về vấn đề liệu hợp pháp hoá buôn bán sừng tê giác có thể giúp làm giảm nạn săn trộm.
Tại Việt Nam, nhiều người tin rằng sừng tê giác có tác dụng chữa bệnh ung thư - mặc dù không có bằng chứng khoa học chứng minh điều này - và sừng đưa đến các khu vực Trung Đông được sử dụng làm cán cho dao găm trang trí.
Mỹ Hòa