Nghiên cứu cách thủy tinh hay những vật dễ vỡ khác bị phá hủy có thể giúp các nhà khoa học tăng cường khả năng dự báo thời tiết cũng như phỏng đoán về khí hậu trong tương lai.



Một nghiên cứu mới của chuyên gia Jasper Kok thuộc Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ phát hiện, các hạt bụi li ti bắn vào không khí khi đất đá bị vỡ vụn, có những kiểu phân mảnh tương tự như thủy tinh.

Bụi đóng một vai trò quan trọng trong dự báo thời tiết vì chúng có thể ảnh hưởng đến lượng năng lượng mặt trời được khí quyển hấp thụ. Bụi cũng có thể giúp hình thành mây và phân phối các chất dinh dưỡng, ví dụ như chất sắt thiết yếu cho sự sinh trưởng của thực vật.

Một số hạt bụi phản xạ năng lượng mặt trời, đóng vai trò như các tác nhân làm mát, trong khi một số khác nhốt giữ lượng nhiệt dư thừa. Ví dụ, các hạt đất sét cực nhỏ lưu lại trong khí quyển khoảng một tuần, giúp làm mát không khí bằng cách phản xạ nhiệt từ mặt trời quay trở lại không gian. Các hạt bụi lớn hơn rơi trở lại mặt đất nhanh hơn và có xu hướng tạo ra hiệu ứng đốt nóng.

Bí quyết là tìm ra mỗi loại hạt có bao nhiêu trong khí quyển và các tính toán này càng tốt thì việc dự báo thời tiết càng chính xác hơn.

Chuyên gia Kok nói, công trình nghiên cứu của ông hé lộ trong khí quyển có lượng hạt bụi cao gấp nhiều lần những phỏng đoán trước đây. Điều này là bởi vì, đất đá bị vỡ vụn dường như sản sinh ra lượng mảnh bụi lớn hơn nhiều - một phát hiện đi ngược lại những giả định được sử dụng trong các chương trình máy tính phức tạp để dự báo thời tiết và khí hậu trong tương lai.

"Do rất nhỏ bé nên khi vỡ vụn, các khối hạt bụi trong đất cũng hoạt động như cách một tấm kính bị vỡ trên sàn nhà bếp. Hiểu biết về kiểu hoạt động này có thể giúp chúng ta vẽ nên bức tranh rõ ràng hơn về thời tiết trong tương lai", ông Kok khẳng định.

Các công thức toán học có thể được sử dụng để hiển thị việc các vật dễ vỡ như thủy tinh nứt tách và vỡ vụn theo những cách có thể dự đoán được. Ông Kok tuyên bố đã sử dụng những công thức này để ước tính sự phân bố kích cỡ của các hạt bụi thổi vào không khí với độ chính xác cao.

Đối với các nhà khoa học, việc sử dụng các mô hình thời tiết dựng trên máy tính để tái tạo lượng hạt bụi trong không khí nhằm tìm ra hiệu ứng đốt nóng hoặc làm mát rất quan trọng. Theo chuyên gia Kok, số lượng hạt đất sét cực nhỏ có thể bị phỏng đoán quá cao trong nhiều mô hình và rằng có thể trong không khí tồn tại lượng hạt bụi lớn hơn nhiều, đặc biệt gần những khu vực sa mạc. Hiện, người ta vẫn cần có thêm các nghiên cứu nhằm xác định xem liệu nhiệt độ trong tương lai ở những vùng này sẽ tăng nhiều hay ít hơn các phỏng đoán của những mô hình máy tính hiện thời.

  • Thanh Bình