- Tính đến thời điểm hiện tại, sao Hỏa có 2 vệ tinh tự nhiên và 3 vệ tinh nhân tạo do con người phóng lên.

Bạn đọc ở địa chỉ mail thienvan…@hotmail.com hỏi: Trên VietnamNet vừa rồi có mấy tin về con tàu vũ trụ của Nga dự kiến bay lên “Mặt trăng của sao Hoả” là Phobos. Tại sao sao Hoả lại có “Mặt trăng” và hành tinh này có bao nhiêu “Mặt trăng”?

Trả lời:

Kể ra, nói “Mặt trăng của sao Hoả” là cách nói không chính xác, vì “Mặt trăng” là danh từ riêng và chỉ có 1 mà thôi. Đúng ra, phải gọi là “vệ tinh của sao Hoả”, hoặc chính xác hơn, là “vệ tinh thiên nhiên của sao Hoả”. Vệ tinh là một vật thể bay xung quanh một hành tinh trên một quỹ đạo xác định. Vì vậy có vệ tinh tự nhiên và vệ tinh nhân tạo (do con người phóng lên).

Các vệ tinh tự nhiên và nhân tạo của sao Hỏa.

Sao Hoả có 2 vệ tinh tự nhiên là Phobos (sợ hãi) và Deimos (kinh hoàng) đường kính không quá 30 kilomét. Cả hai đều quá nhẹ nên trọng lượng không đủ để tạo cho chúng dạng hình cầu. Chúng có hình dạng một hòn đá tảng khổng lồ như những thiên thạch.

Có giả thuyết cho rằng cách nay chừng 40 triệu năm, có hai thiên thạch rơi vào trọng trường của sao Hoả, bị giữ lại bay quanh sao Hoả mà không thoát ra được khỏi sức hút của nó. Trên bề mặt Phobos có một hố thiên thạch rộng khoảng 10 kilomet. Trên hai vệ tinh thiên nhiên này có vô số hố thiên thạch nhỏ hơn.

Ngoài hai vệ tinh thiên nhiên này, từ năm 1964, Mỹ và Liên Xô cũng phóng lên sao Hoả nhiều vệ tinh nhân tạo với mục đích nghiên cứu nhưng một số đã ngừng hoạt động và rơi xuống bề mặt sao Hoả. Hiện có 3 vệ tinh nhân tạo bay xung quanh sao Hoả là Mars Odyssey, Mars Express, và Mars Reconnaissance Orbiter (cả ba đều do Mỹ phóng lên).

Tuấn Hà