Ngay sau khi trạm quan sát không gian của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) nhận được tín hiệu từ tàu Phobos-Grunt của Nga, Cơ quan Hàng không Vũ trụ của Nga tuyên bố họ cũng đã bắt được tín hiệu từ tàu thám hiểm sao Hỏa vốn đang bị mắc kẹt trên quỹ đạo Trái đất này.
Tàu thám hiểm sao Hỏa Phobos Grunt trước khi được phóng lên vũ trụ. Ảnh: Rian. |
Trước đó, hôm thứ 3, 23/11, một trạm quan sát không gian của ESA ở Perth, Australia cũng đã nhận được tín hiệu phát ra từ thăm thăm dò sao Hỏa Phobos-Grunt. Đại diện của ESA cho biết họ thu được tín hiệu từ Phobos-Grunt kéo dài trong 6 phút tuy nhiên các nhà khoa học vẫn chưa thu được mọi thông tin cần thiết để khởi động lại tàu thăm dò này.
Cơ quan Vũ trụ của Nga cho biết họ sẽ tiếp tục thu tín hiệu từ Phobos-Grunt cho đến khi tàu này đi vào tầng khí quyển dày đặc. Các tín hiệu thu được sẽ giúp xác định nguyên nhân trục trặc của tàu và các thành phần nào còn hoạt động. Tuy nhiên, cơ quan này nhận định ngay cả khi tất cả các bộ phận trên tàu có khả năng hoạt động thì cũng khó có thể thực hiện được nhiệm vụ đặt ra ban đầu.
Phát biểu trước đó, tiến sĩ Alexander Zakharov, thuộc Viện nghiên cứu vũ trụ Nga và là phó giám đốc dự án Phobos-Grunt, cho biết nếu tàu thăm dò này vẫn hoạt động bình thường, nó có thể được sử dụng để khảo sát một thiên thạch gần Trái đất thay vì sao Hỏa.
Tàu thăm dò sao Hỏa Phobos Grunt được phóng từ Trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào ngày 9/11. Sau khi được tên lửa đẩy Zenit đưa thành công lên quỹ đạo thấp của Trái đất, tàu thăm dò này đã không thể khởi động động cơ để bay tới sao Hỏa. Tất cả những cố gắng thiết lập lại liên lạc sau đó của Nga với tàu Phobos-Grunt đều không thành công.
Nam Phong