Nhiều người không thể hình dung buổi sáng mà lại thiếu một tách cà phê ngát hương. Ở Mỹ, hơn một nửa dân số uống ba tách cà phê mỗi ngày. Người ta đã chỉ ra nhiều lợi ích của cà phê, tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất cho thấy với người đang điều trị một bệnh nào đó, nó có thể làm thay đổi hiệu quả của thuốc.
Cà phê có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc. Ảnh minh họa.
Trong đa số trường hợp, thuốc có phản ứng với cafein, song những thành phần khác của cà phê cũng có vai trò quan trọng. Những nghiên cứu cho thấy trên 10 thứ thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa bệnh loãng xương, thuốc chữa bệnh tuyến giáp… mất tác dụng dưới ảnh hưởng của cà phê.
Năm 2008, thử nghiệm trên những người tình nguyện chỉ ra rằng: với những người uống cà phê trước và sau khi dùng thuốc chứa hoạt chất levotyroxin (chữa các bệnh về tuyến giáp) thì độ hấp thụ thuốc giảm đi 55%.
Những nghiên cứu khác cũng chứng minh cà phê làm giảm độ hấp thụ của thuốc chữa loãng xương và ngăn ngừa hiện tương gãy xương là alendronat tới 60%, làm yếu đi mức độ tuần hoàn estrogen và những hocmon khác của nữ giới.
Một điều đáng chú ý là một số thuốc đặc hiệu bán theo đơn lại đẩy mạnh tác động của cà phê và những đồ uống khác khác có chứa cafein. Những thuốc có tác dụng này bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng sinh, các thuốc tránh thai, thuốc ức chế men CYP1A2… Trong quá trình thực nghiệm, người ta còn phát hiện ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai, cafein bị giữ lại trong cơ thể lâu hơn 4 giờ so với những người không dùng thuốc.
Bảo Châu